Y tế - Sức khỏe

Đà Nẵng sẵn sàng ứng phó với Zika

07:32, 06/04/2016 (GMT+7)

Ngày 5-4, Bộ Y tế phát thông báo chính thức về việc Việt Nam đã xuất hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika.

Tại Đà Nẵng hiện chưa phát hiện ca nghi nhiễm nào nhưng nguy cơ là rất cao. Bởi vậy, công tác đáp ứng dịch của ngành y tế thành phố đã được nâng lên mức độ 2 và các bệnh viện trên địa bàn cũng trong tình thế sẵn sàng thu dung, điều trị Zika.

Cách hiệu quả, đơn giản phòng bệnh Zika là mỗi nhà, mỗi người tự diệt muỗi và lăng quăng. Trong ảnh: Người dân úp các vật chứa nước không cần thiết để hạn chế lăng quăng.
Cách hiệu quả, đơn giản phòng bệnh Zika là mỗi nhà, mỗi người tự diệt muỗi và lăng quăng. Trong ảnh: Người dân úp các vật chứa nước không cần thiết để hạn chế lăng quăng.

Bệnh viện trực chiến

Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, bệnh do virus Zika chủ yếu lây qua đường muỗi truyền, hầu như không lây qua đường tiếp xúc trực tiếp giống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như Ebola, H5N1… Do đó, đến nay, tất cả các bệnh viện tại Đà Nẵng đều có thể thu dung để điều trị cho người mắc bệnh này.

Nhằm ứng phó với Zika, các bệnh viện tại Đà Nẵng đã lên kế hoạch xử lý bệnh. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Võ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho hay, ngay từ giữa tháng 3 vừa qua, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận, chăm sóc người mắc Zika như những bệnh dịch mới nổi nguy hiểm khác.

Theo đó, bệnh viện lập Ban chỉ huy gồm toàn thể Ban giám đốc và 2 tổ phòng dịch sẵn sàng được điều động. Khi bệnh nhân đến khám, cấp cứu, nếu chẩn đoán nghi ngờ Zika sẽ được chuyển đến khu Y học nhiệt đới.

Trong trường hợp bệnh nhân biểu hiện triệu chứng nặng sẽ được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực chống độc. Hiện nay, toàn bộ một tầng với quy mô 30 giường của Bệnh viện Đà Nẵng đang được dành để thu dung bệnh Zika. Tùy theo mức tăng về số lượng bệnh, có thể bệnh viện sẽ dành cả khu Y học nhiệt đới để chăm sóc bệnh nhân Zika nhằm hạn chế lây nhiễm chéo.

Ngoài bố trí phòng tiếp nhận bệnh, các bệnh viện cũng chuẩn bị dịch truyền, thuốc, máy thở, bơm tiêm điện theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Những khu vực có bệnh nhân Zika sẽ được phun thuốc khử khuẩn môi trường. Đặc biệt, các bệnh nhân mang thai được giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh được theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở sản nhi.

Trong khi đó, ngày 5-4, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho biết, tuần này, Trung tâm sẽ có đủ sinh phẩm để xét nghiệm phát hiện Zika tại chỗ. Tính đến thời điểm hiện nay, các mẫu bệnh phẩm đều phải gửi vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm nhưng nhiều khả năng công tác xét nghiệm sẽ bị quá tải và Đà Nẵng phải chờ đợi lâu mới có kết quả, bởi hiện nay Việt Nam đã có ca nhiễm. Do đó, Trung tâm sẽ cố gắng mua được sinh phẩm sớm để chủ động giám sát bệnh.

Khó giám sát

Công tác xét nghiệm, điều trị đã sẵn sàng, nhưng đây chỉ là phần việc “đuổi theo” dịch, còn vấn đề chủ động phòng dịch thì hiện nay gặp nhiều khó khăn. Như những bệnh dịch khác, việc kiểm soát qua cửa khẩu, sân bay quốc tế, cảng biển không ngoài tầm tay của cơ quan chức năng, bởi có lối ra vào rõ ràng nên máy móc có thể phát hiện được người bị sốt, nghi bệnh và lần tìm những người tiếp xúc gần với người nhiễm.

Tuy nhiên, nếu người dân và hành khách vào Đà Nẵng theo đường bộ thì cơ quan chức năng đành “bó tay”. Chẳng hạn, nếu một người mang bệnh di chuyển từ Khánh Hòa (vùng dịch) về Tam Kỳ rồi tiếp đó đến Đà Nẵng bằng xe máy thì không cơ quan chức năng nào có thể giám sát được.

Ngoài ra, theo bác sĩ Thạnh, nhiều người mắc Zika nhưng không có biểu hiện bệnh nên không thể bỗng dưng lấy máu của họ để xét nghiệm. Cách duy nhất vừa đơn giản, vừa hiệu quả để phòng dịch là diệt lăng quăng và muỗi - trung gian truyền Zika. Thế nhưng, ngành y tế cũng rất lo khi các chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng hầu như chỉ rầm rộ lúc ra quân, còn sau đó các địa phương gần như “khoán” trắng cho ngành y tế tự xử.

Theo Bộ Y tế, từ cuối năm 2015 đến nay, bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp tại 61 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp. Hiện nay, WHO chưa khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại với các quốc gia đang có dịch.

Trên phạm vi cả nước, đến ngày 4-4, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã xét nghiệm 1.215 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp có biểu hiện tương tự như nhiễm virus Zika tại 32 tỉnh, thành và đã phát hiện 2 trường hợp dương tính tại tỉnh Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Ngoài các biến chứng nguy hiểm gây quan ngại như chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh, bệnh do virus Zika thường diễn biến ở mức độ vừa, nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Bài và ảnh: THU HOA

.