.

Những người "chế tạo phép màu"

.

Có một nơi ở thành phố Đà Nẵng mà người ta đến trong nước mắt và ra về cùng nụ cười…

1. Ở đó, những người không đi lại được có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình; những người đi xiêu vẹo học được cách đi đúng, đi đẹp. Ở đó, những người trước đây bước đi trong đau đớn, bây giờ bước đi thoải mái; những người từng sống cuộc đời phụ thuộc vào người khác đã có thể sống một cuộc đời độc lập; những người khiếm khuyết trên cơ thể tìm thấy ánh sáng, nụ cười hy vọng sau cơn tuyệt vọng. Nơi đó là Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Các kỹ thuật viên Nguyễn Thị Sen và Bùi Cao Nguyên say mê với việc sản xuất dụng cụ chỉnh hình.
Các kỹ thuật viên Nguyễn Thị Sen và Bùi Cao Nguyên say mê với việc sản xuất dụng cụ chỉnh hình.

Mỗi một nụ cười thành công sau từng ca bệnh không biết phải đánh đổi bao nhiêu mồ hôi của tập thể bác sĩ, kỹ thuật viên (KTV). Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ kỹ thuật viên chỉnh hình, những người ngày qua ngày lặng thầm cho ra đời những dụng cụ chỉnh hình như: chân, tay giả, nẹp… Bệnh nhân (BN) vẫn thân thương gọi họ là “những người chế tạo phép màu”.

Ông Đỗ Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, cho biết, BV có 3 chức năng chính là: phẫu thuật chấn thương - chỉnh hình, điều trị phục hồi chức năng, sản xuất - lắp ráp dụng cụ chỉnh hình. Trong năm 2015, BV đã phẫu thuật chỉnh hình khoảng 1.000 ca và sản xuất khoảng 1.200 dụng cụ chỉnh hình phục vụ cho cả khu vực miền Trung.

2. Một ngày, chúng tôi lang thang ở xưởng sản xuất - lắp ráp dụng cụ chỉnh hình đến tận trưa. Đồng hồ điểm 11 giờ nhưng nhịp điệu làm việc nơi đây vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Phía bên ngoài xưởng, KTV Lê Xuân Lộc đang hướng dẫn cho BN Nguyễn Châu (72 tuổi, quê ở Huế) thử đi lại trên chiếc chân giả mới hoàn thành. Trong lúc BN Nguyễn Châu đi lại, KTV Lê Xuân Lộc liên tục ân cần hỏi han: “Bác thấy chỗ này có đau không? Có chỗ nào cảm giác cọ vào chân không?”.

 “Một chiếc chân giả không chỉ đẹp mà quan trọng nhất là phải bảo đảm tiêu chí đúng, phù hợp với từng thể trạng, bệnh lý của BN. BN là người sử dụng các dụng cụ nên chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của BN để điều chỉnh dụng cụ chỉnh hình cho đến khi BN thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên, đôi khi, có nhiều BN vì sợ mất lòng hoặc ngại ngùng nên không dám bày tỏ ý kiến thật lòng. Chính vì vậy, KTV chúng tôi luôn phải hỏi kỹ, nhẹ nhàng gợi mở, làm sao để bảo đảm BN có được dụng cụ chỉnh hình tốt nhất…”, KTV Lê Xuân Lộc chia sẻ.

Cạnh bên, BN Phạm Thị Tuyết (54 tuổi) đang được KTV Trần Hoàng Anh hướng dẫn làm quen với chiếc chân giả. “Ban đầu, khi chị sử dụng, chị sẽ có cảm giác không quen. Mình cứ tập từ từ rồi sẽ quen dần nha…”, KTV Trần Hoàng Anh nhẹ nhàng động viên. Theo mỗi động tác cử động của BN, lại nghe tiếng anh từ tốn: “Đúng rồi, chị làm đúng rồi. Cố lên…”.

Tai nạn giao thông bất ngờ ập đến khiến chị Tuyết mất đi đôi bàn chân. Rơm rớm nước mắt, chị kể: “Nhà chỉ có tôi và đứa con trai đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Khi chuyện xảy ra, tôi chỉ nghĩ đến việc tự tử. Bởi mất đi đôi chân nghĩa là mất đi cuộc sống. Con trai ở xa, mọi sinh hoạt trong cuộc sống của tôi đều cậy nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của các chị em ruột…”.

Con trai rời quân ngũ, thường xuyên động viên mẹ, tiếp thêm nghị lực cho chị. Thương con, chị lau nước mắt, quyết tâm tìm lại ánh sáng cuộc đời. Chị đến BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và tìm thấy cánh cửa hy vọng khi chuyện trò với những người đồng cảnh ngộ nay đã có thể tự đi đứng như người bình thường. Chị cười mà mắt long lanh: “Tôi cứ tưởng cuộc đời tôi vậy là bỏ đi rồi. Tôi cứ tưởng mình sẽ là gánh nặng cho con. Giờ thì tôi sẽ cố gắng để có thể tự sinh hoạt độc lập. Công việc phụ bếp hiện tại tôi không đảm đương được nữa thì sẽ tìm việc làm khác nhẹ nhàng hơn, phù hợp với sức khỏe của tôi…”.

Phía bên trong, các KTV vẫn đang say sưa, miệt mài sản xuất, điều chỉnh, lắp ráp các dụng cụ chỉnh hình. Vừa thoăn thoắt tay, KTV Bùi Cao Nguyên vừa tươi cười tâm sự: “Chúng tôi làm nghề ni, kỷ niệm vui nhất là nụ cười của bệnh nhân. Cứ nhìn thấy bệnh nhân vui là KTV chúng tôi vui. Còn kỷ niệm buồn nhất là mỗi khi chưa sản xuất được dụng cụ phù hợp cho thể trạng, bệnh lý của BN. Mỗi BN là mỗi cuộc đời, không ai giống ai nên KTV chỉnh hình không chỉ cần kiên nhẫn, tỉ mỉ mà còn tinh tế…”.

Anh Nguyễn Văn Tiến, Quản đốc Xưởng sản xuất - lắp ráp dụng cụ chỉnh hình, cho biết: “Theo quy trình, BV sẽ thăm khám bệnh, tìm hiểu mức độ tổn thương của BN, hội ý với nhóm kỹ thuật (bác sĩ, giám sát kỹ thuật, KTV vật lý trị liệu, KTV chỉnh hình) và có quyết định tốt nhất cho bệnh nhân. Sau khi dụng cụ chỉnh hình hoàn thành, chúng tôi luôn phải bảo đảm sự thoải mái tốt nhất cho BN, yêu cầu dụng cụ phải không có dấu vết tì đè hoặc vết thương. Tiếp theo, chúng tôi sẽ cho BN làm quen, tập luyện với dụng cụ chỉnh hình đến khi đạt yêu cầu cơ xương, khớp ổn định. Từng công đoạn một đều được kiểm soát chặt chẽ, cẩn thận…”.

3. Nhờ sự tỉ mỉ và lòng nhiệt tâm của đội ngũ bác sĩ, KTV BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, nhiều người đã bước ra khỏi mặc cảm, sống một cuộc đời hạnh phúc.

Ông Đỗ Văn Thành kể, trong một lần đi thăm khám ngoài viện tại Quảng Bình, đội ngũ bác sĩ, KTV BV tình cờ biết đến trường hợp của em B.T.H. Năm ấy, H. tầm 14 - 15 tuổi, hai bàn chân bị khoèo rất nặng. Gia đình khó khăn, không có điều kiện để đưa con đi chữa trị.

Với sự nỗ lực của mình, BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đã phẫu thuật thành công cho H. Điều vui mừng hơn, trong thời gian này, tình yêu chớm nở trong lòng cô gái trẻ với một BN bại liệt cũng đang điều trị tại đây. Không chỉ đi lại bình thường, tìm lại cuộc đời tưởng chừng như đã đánh mất, họ còn tìm thấy tổ ấm của riêng mình. Hai đứa con của họ lần lượt chào đời cũng không may bị khoèo chân. BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng lại lần nữa trở thành “ông bụt” của gia đình H. Bây giờ, mái ấm nhỏ của họ đã thật sự tròn trịa tiếng cười.

Một trường hợp khác, tai nạn bom nổ không chỉ cướp đi cha mẹ của H. mà còn đánh cắp đôi chân H. Khi ấy, H. mới chỉ 1 tuổi, bị phỏng nặng dẫn đến biến dạng đôi chân, không thể đi lại. Từ đó cho đến lúc 16 tuổi, H. di chuyển bằng 2 đầu gối bươm rách máu. Tình cờ, BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng biết đến H. thông qua một tổ chức từ thiện. Quãng thời gian 2 năm đằng đẵng, H. trải qua 7 lần phẫu thuật và được “tái sinh” một lần nữa. Giờ đây, cô gái ấy đã lấy chồng, sinh con và sống một cuộc đời bình thường…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.