Y tế - Sức khỏe

CÂU CHUYỆN DÂN SỐ

"Có chuyện" mới tìm bác sĩ

07:51, 16/01/2017 (GMT+7)

Làm công nhân tại một xí nghiệp may ở khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chị Lê Thị Na (30 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết, chị cũng như các nữ đồng nghiệp mỗi khi ốm đau cứ ra hiệu thuốc mua thuốc uống là xong. Theo chị Na, việc thực hiện tình dục an toàn hay áp dụng các biện pháp phòng tránh thai cũng tùy theo… kinh nghiệm tự có. Không ít trường hợp phải nạo phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản (SKSS) và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Bác sĩ Lê Thế Phước, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp thuộc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho hay, những nữ công nhân đến khám ở đây phần lớn ít có kiến thức chăm sóc SKSS và ít sử dụng biện pháp bảo vệ bản thân khi quan hệ tình dục. Chỉ đến khi “có chuyện”, họ mới tìm đến bác sĩ. Theo bác sĩ Phước, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng làm mẹ và tác động không nhỏ đến tâm sinh lý cũng như sức khỏe lâu dài của những phụ nữ này.

Hiện nay, tại các khu công nghiệp hầu hết ít có dịch vụ chăm sóc SKSS. Trong khi đó, để tiếp cận các dịch vụ này ở trung tâm thành phố, công nhân thường phải trả chi phí cao so với thu nhập của họ. Do vậy, rất ít công nhân đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Trong khi đó, các đợt tuyên truyền về chăm sóc SKSS được Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp với Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thực hiện chưa thường xuyên, đều đặn, nhất là đối với vấn đề chăm sóc SKSS của nữ công nhân tại các khu công nghiệp.

Tổng cục DS-KHHGĐ đang dự thảo Đề án “Cải thiện tình trạng dân số/SKSS - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu cụ thể như: giảm 50% số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn vào năm 2020; tăng điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thân thiện với vị thành niên, thanh niên lên 75% vào năm 2020… Đây được xem là hoạt động thực sự cần thiết và ý nghĩa giúp thanh, thiếu niên nói chung và công nhân, người lao động nói riêng tăng hiểu biết về chăm sóc SKSS.

P.TRÀ

.