.

Những hình ảnh đẹp của bác sĩ trong năm 2016

.

Chúng ta hãy nhìn lại năm 2016 với nhiều y, bác sĩ tham gia các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện vì bệnh nhân trên mọi miền của Tổ quốc.

Ra chợ quyên tiền cứu bệnh nhân

Có lẽ, ấn tượng nhất trong câu chuyện dốc lòng giúp đỡ về vật chất nhằm cứu chữa cho bệnh nhân nghèo, là hành động các y bác sỹ của Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên (Hà Giang) mặc áo blouse trắng, ra ngoài chợ trưng tấm phông to về tình cảnh của hai em bé để kêu gọi mọi người quyên tiền giúp đỡ.

Bác sỹ Chung và tấm biển kêu gọi quyên tiền giúp đỡ bệnh nhân nghèo.
Bác sỹ Chung và tấm biển kêu gọi quyên tiền giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

 Khoảng 1 giờ ngày 13/7, Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên tiếp nhận trường hợp sản phụ Phàn Thị Chẩy (20 tuổi ở thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên), người dân tộc Dao với chẩn đoán mang song thai.

Sau khi thăm khám, các bác sỹ cho rằng, sản phụ có dấu hiệu suy thai cần phải mổ cấp cứu để cứu cả mẹ và con.

Sau khi mổ bắt thai, kíp mổ nhận thấy 2 bé dính nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn, 2 thai có trọng lượng 4900gr, tim, phổi, thận độc lập nhau.

Điều kiện cơ sở vật chất tại bệnh viện còn hạn chế nên trước ca mổ phức tạp này, các bác sỹ đã quyết định cho cháu chuyển xuống Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Đức để mổ.

Thấy hoàn cảnh gia đình sản phụ quá khó khăn, không đủ tiền đưa 2 bệnh nhi bị dính bụng xuống Hà Nội chữa trị, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Chung – Phó Giám đốc Bệnh viện Vị Xuyên (Hà Giang) đã đích thân xuống chợ tổ chức quyên tiền cho 2 bệnh nhi bị dính bụng. Nhờ đó, bệnh nhân trên đã có thêm rất nhiều kinh phí để xuống Hà Nội lo việc điều trị và sinh hoạt phí.

Ghép tạng xuyên Việt

Trong năm 2016, các bác sỹ đã tiếp tục làm nên kỳ tích khi đưa nguồn tạng của người hiến vượt hơn 1.700 km từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội ghép cứu sống 2 người đang cận kề cái chết.

Chiều 25/4, Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo một nam thanh niên 20 tuổi gặp tai nạn giao thông bị chết não, gia đình đồng ý hiến tạng và chỉ 2 bệnh nhân ở Hà Nội tương thích với các thông số tạng được hiến.

Bệnh nhân trong ca ghép tạng Xuyên Việt phục hồi tốt. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Bệnh nhân trong ca ghép tạng Xuyên Việt phục hồi tốt. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Trong cuộc hành trình ở hai đầu đất nước này, nội tạng được hiến của người chết não phải chuyển đi hàng ngàn cây số, đặc biệt các bác sỹ phải giành giật từng phút với tử thần để mang lại sự sống cho bệnh nhân bị suy tim và suy gan giai đoạn cuối.

Giáo sư Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay, quá trình ghép cũng là lúc các y, bác sỹ phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn. Để đưa được nguồn tạng sống vượt hơn 1.700 km kéo dài nhiều giờ, các y, bác sỹ phải sử dụng các thiết bị bảo quản tối tân. Thiết bị này do chính êkíp sáng chế để vận chuyển nguồn tạng an toàn.

Theo giáo sư Trịnh Hồng Sơn, thành công trong các ca ghép tạng là công sức của cả trăm người phối hợp cực kỳ hoàn hảo, nếu chỉ một khâu trục trặc thì sẽ khó có thành công.

Với ca ghép tạng xuyên Việt thành công trên, việc hiến tạng - vốn xa lạ trong bao năm qua với nhiều người Việt Nam, nay đã trở nên rất chân thực, sống động qua một câu chuyện, khi họ hiểu được việc làm đó có thể thay đổi số phận rất nhiều con người và rất nhiều gia đình.

3 bác sỹ hiến máu cứu sản phụ

Trong quá trình phẫu thuật, thấy một sản phụ bị mất rất nhiều máu, cần được truyền máu, trong khi nguồn máu dự trữ của bệnh viện không còn đủ, 3 bác sỹ của Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh ngay tức khắc hiến 750ml máu cứu sống phụ nữ này.

Ngày 6/7, sản phụ Võ Thị Lượng (26 tuổi) ở xã Kỳ Sơn - Kỳ Anh được chuyển đến bệnh viện trong tình cấp cứu, truyền dịch trợ sức, đồng thời chuyển thẳng phòng mổ. Trong quá trình phẫu thuật lấy thai, sản phụ bị mất máu nặng cần phải được truyền 5 đơn vị máu (nhóm máu O) cấp cứu để cứu sống mẹ và bé.

Tuy nhiên, lượng máu dự trữ của bệnh viện chỉ còn 2 đơn vị trong khi đó người nhà không có ai trùng với nhóm máu của sản phụ Lượng. Bệnh nhân đứng trước nguy cơ sự sống rất mỏng.

Việc hiến máu cứu người trong trường hợp này là khá đặc biệt khi cả ba bác sĩ đều đang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân khác và nếu chậm chễ vài phút, cả hai mẹ con sản phụ khó lòng qua khỏi. Hành động trên của các bác sỹ rất đáng để những người bệnh trân trọng.

Những hành động của các bác sỹ nêu trên là các tấm gương để cán bộ nhân viên ngành y nêu gương và củng cố, nhân rộng những câu chuyện đẹp, xúc động giữa bác sỹ và bệnh nhân.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.