.
Phương hay Thuốc quý

Dây Khai - thuốc bổ và kháng viêm

.

Cách đây ba tháng, lương y Huỳnh Sự đi công tác ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 mang về cho tôi mẩu rễ một loài dây leo lấy trong rừng thứ sinh ở xã Hòa Bắc. Thoạt ngửi vỏ rễ cây này có mùi thơm nồng hơi giống mùi dược liệu Ngũ gia bì bắc thường dùng trong Đông y. Nếm thử vỏ rễ đó, mới đầu tôi nghe có vị đắng nhẫn, sau có hậu ngọt thanh. Dù chưa biết chính xác là cây gì nhưng theo kinh nghiệm trực quan, chúng tôi phỏng đoán những vị thuốc “tiền khổ hậu cam” như thế này rất có thể là một loài thuốc bổ.

Dây và rễ Khai mọc hoang tại rừng Hòa Bắc và Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Ảnh: P.C.T
Dây và rễ Khai mọc hoang tại rừng Hòa Bắc và Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Ảnh: P.C.T

Trong đợt điều tra cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đầu năm 2016 này, lương y Huỳnh Sự đã đưa chúng tôi đã đến khảo sát thực địa nơi phân bố loài dây leo này. Một nghiên cứu viên cao cấp của Viện Dược liệu tham gia đoàn điều tra là PGS.TS. Nguyễn Tập đã định danh tại chỗ đó là dây Khai, còn gọi dây vàng hoan, dây cổ rùa, dây họng trâu…, tên khoa học là Coptosapelta flavescens Korth. var. dongnaiensis Piere, tên đồng nghĩa: Coptosapelta tomentosa (Blume) Vahl. ex Heyne var. dongnaiensis (Pit.) Phamh., thuộc họ Cà-phê (Rubiaceae).

Theo tài liệu của Viện Dược liệu, dây Khai là loài dây leo dài 5-7m, cành tròn màu nâu sẫm, lúc non có lông, sau nhẵn. Lá mọc đối, có cuống rất ngắn, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 4,5 - 11cm, rộng 2,5 - 6cm, gốc tròn, chóp nhọn, mặt trên xanh lục sẫm, mặt dưới rất nhạt, có lông nhỏ ở các gân ở mặt dưới, lá kèm rụng sớm.

Cụm hoa mọc ở đầu cành, hình xim dài 6-8cm, có lông; hoa màu vàng tươi, mùi thơm hắc. Quả nang có núm nhọn ở đầu, nhẵn, chia 2-3 mảnh, chứa nhiều hạt có cánh. Rễ chặt ra có mùi khai nồng, nên có khi gọi là cây rễ Khai. Mùa hoa tháng 9-12, mùa quả tháng 1-4.

Dây Khai phân bố ở nhiều nước Đông Nam Á. Ở nước ta, Dây Khai mọc khá phổ biến ở vùng rừng núi các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Đồng Nai.

Tại Đà Nẵng, ngoài khu vực rừng Hòa Bắc, chúng tôi còn gặp ở bìa rừng ven hồ Hòa Trung (Hòa Liên). Cây thường gặp ở các rừng mưa nhiệt đới, ở ven rừng, bờ nương rẫy; cây tái sinh khỏe. Có thể khai thác rễ khai quanh năm, dùng tươi hay phơi sấy khô. Dược liệu có mặt ngoài vàng nhạt, mùi khai hắc đặc biệt, vị đắng, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng kháng viêm và bổ. Phân tích sơ bộ trong rễ khai có alcaloid, tinh dầu, đường với tỷ lệ thấp.

Theo kinh nghiệm dân gian lâu đời của đồng bào dân tộc Re ở Quảng Ngãi, Bình Định, dùng giã đắp hay sắc nước để rửa các vết thương do chém, chặt, giẫm chông, làm cho vết thương sạch mủ, chóng sinh cơ, lên da non.

Theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào ở Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận), dùng cao dây khai chữa bệnh gút cho kết quả tốt. Cũng dùng chữa thấp khớp đau mình mẩy, lưng và đầu gối mỏi, vết tụ máu bầm tím. Dùng xông chữa cảm cúm. Ngoài ra còn được dùng làm thuốc bổ máu, thông kinh, trừ thấp nhiệt, phù thũng, dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống cho có nhiều sữa, máu huyết lưu thông, da dẻ hồng hào (đúng như phỏng đoán ban đầu của chúng tôi về tác dụng bổ khi “nếm” vị thuốc này).

Người ta còn sử dụng làm thuốc chữa viêm xoang mũi và phù thận. Thường dùng dưới dạng nước sắc, cao lỏng hay cao đặc, thuốc bột để uống. Còn dùng rễ tươi giã đắp ngoài, hoặc dùng rễ nấu nước rửa vết thương chống nhiễm trùng.

Đã có những nghiên cứu trước đây về tác dụng sinh học của dây Khai cho thấy phân đoạn saponin ở rễ Khai có tác dụng kháng viêm mạnh. Trần Thị Vân Anh và Trần Hùng (Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, năm 2010) đã nghiên cứu thành phần hóa học của dây Khai theo định hướng tác dụng kháng viêm. Kết quả nghiên cứu đã phân lập được 4 hợp chất glycosid từ phân đoạn có tác dụng kháng viêm mạnh nhất.

Đây là lần đầu tiên các hợp chất này được phân lập từ thân Khai. Điều đáng lưu ý theo kết quả nghiên cứu này thì cao cồn 96% của thân Khai thể hiện hoạt tính kháng viêm có ý nghĩa thống kê ở liều 1g/kg (tương ứng với 8g dược liệu/kg), tác dụng thể hiện cao hơn khi so sánh với cao cồn của rễ ở liều tương tự.

Vì vậy thân dây được tiếp tục chiết tách, phân lập thành phần có tác dụng kháng viêm. Đề tài tạo cơ sở và tiền đề cho việc nghiên cứu ứng dụng dây Khai thành dạng chế phẩm kháng viêm hiệu quả, an toàn trong tương lai, vì chỉ cần khai thác thân dây Khai, bảo vệ được gốc rễ để tái sinh, sẽ bảo tồn bền vững nguồn dược liệu này.

Xin giới thiệu một bài thuốc ứng dụng có dây Khai để chữa tê thấp, đau mình mẩy, lưng gối nhức mỏi, sưng giập, tụ máu, bầm tím: Rễ khai 100g, Rễ cỏ xước hay Ngưu tất 100g, nấu thành cao, trộn với 50g bột khô rễ Thổ nhân sâm làm thành viên, ngày dùng 5-10g, hãm với nước sôi, chia uống 2 lần.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.