.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Cơm “bụi”: Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm

.
Khi giá cả đang leo thang theo giá xăng dầu, giá điện… buộc các chủ quán cơm bụi cũng phải gồng mình để đối phó với cơn bão giá. Cùng với việc nâng giá hàng ăn lên, các chủ quán cơm này còn tìm nhiều cách để vừa bảo đảm doanh thu, vừa giữ chân khách hàng là các đối tượng sinh viên, người lao động thu nhập thấp. Trong những mánh khóe để giữ thực phẩm tươi sống được lâu là dùng hóa chất tẩm ướp lưu giữ, cùng với việc chế biến thức ăn trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nên đã gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm cho người dùng cơm “bụi”.

Mô tả ảnh.
Cơm đĩa hấp dẫn nhưng không ai bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm .
Ai cũng biết các quán cơm “bụi” thường mọc lên như nấm quanh các khu công nghiệp, các trường học có đông sinh viên… Theo chân các bạn sinh viên đang trú học tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đến các quán cơm quanh trường mới cảm nhận hết được cái gọi là thế giới cơm “bụi”. Một đĩa cơm thập cẩm, một chén canh “toàn quốc”, chén nước mắm với giá từ 12 đến 15 ngàn đồng/suất. Hầu hết các quán đều kinh doanh sát mép đường có nhiều xe cộ qua lại, nhưng không có màn che thức ăn để giữ gìn vệ sinh. Không ít sinh viên, công nhân lao động sau khi ăn tại các quán cơm “bụi” này đã bị ngộ độc thực phẩm.

L.K.H, trọ học tại khu vực sau lưng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, vốn là khách ruột của quán cơm C.B (nằm trên đường Phạm Như Xương) từ thời mới vào học đại học. Thế nhưng đến nay, gần như cậu bỏ hẳn việc ăn cơm “bụi” vì mấy lần bị ngộ độc sau khi ăn tại các quán cơm “bụi” dọc đường gần trường. “Hôm trước, do trong giai đoạn thi cử, làm khóa luận tốt nghiệp nên em lười nấu cơm, ra quán ăn cho nhanh, đỡ mất thời gian. Nhưng sau khi ăn tối xong, đến nửa đêm về sáng, bụng đau dữ dội, liên tục nôn tháo. May có các bạn cùng dãy trọ đưa đi cấp cứu kịp thời, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Em thề “cạch mặt” cơm bụi”, H. cho biết. “Vào mùa thi, nhất là các bạn cuối khóa thường rất bận rộn, nên không mấy ai rảnh để tự nấu cơm ăn. Phần lớn nếu không “cuộc chiến mì gói” thì sẽ ăn cơm bụi cho tiện. Dù các bạn cũng biết ăn cơm “bụi” không hợp vệ sinh, dễ bị đau bụng nhưng rồi cũng phủi tay cho qua”, N.V.T, sinh viên lớp CNTT - Trường Đại học Sư phạm cho biết.

l Một góc bếp cơm “bụi”.
Một góc bếp cơm “bụi”.
Thực trạng mất VSATTP tại các quán cơm “bụi” đang đặt ra cho các cơ quan chức năng nhiều việc phải làm. Những cam kết của các chủ quán cơm này (nếu có) xem chừng chỉ làm cho có, cho đủ điều kiện để kinh doanh. Trên thực tế, không mấy quán thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về bảo đảm VSATTP mà cơ quan chức năng quy định, chưa kể còn rất nhiều quán không hề đăng ký kinh doanh. Chính vì thế, hệ lụy đến với người ăn cơm “bụi” là rất hay bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì đau bụng, nặng thì đau bụng quằn quại, đau đầu, nôn mửa và phải đi cấp cứu. Nếu quá nặng có thể dẫn tới tử vong.

Việc quản lý đối với những quán cơm “bụi” này cho đến nay vẫn còn là một bài toán nan giải đối với các cơ quan chức năng. Bên cạnh lực lượng chức năng của các ngành hữu quan còn mỏng, các quán cơm “bụi” lại rất nhiều mánh khóe để qua mặt, cũng như phù phép thực phẩm quá đát thành tươi mới. Và hệ quả là những người lao động, sinh viên có túi tiền eo hẹp gánh chịu hậu quả.

Kể từ ngày 1-7, “thức ăn đường phố” bị siết chặt quản lý theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm được Quốc hội khóa XII thông qua và Chủ tịch nước đã công bố. Việc công bố Luật An toàn vệ sinh thực phẩm nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Lần đầu tiên, “thức ăn đường phố” chịu sự điều chỉnh. Theo đó, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thức ăn này chỉ có thời hạn 3 năm, thay vì vô hạn như trước đây.
 
Bài và ảnh: Trọng Huy
;
.
.
.
.
.