.

Phê duyệt Đồ án Quy hoạch sử dụng đất đường Tô Hiến Thành

Sau khi Báo Đà Nẵng đăng bài: “Bao giờ nâng cấp đường Tô Hiến Thành?” (số ra ngày 29-9-2011), Báo đã nhận được phản hồi của UBND quận Sơn Trà như sau:

Đường Tô Hiến Thành được đầu tư nâng cấp xây dựng từ năm 1997, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Do không có hệ thống thoát nước và do quá trình đô thị hóa nên mặt đường bị hư hỏng và gây ngập úng cục bộ tại một số vị trí. Hằng năm, UBND quận Sơn Trà đều duy tu, sửa chữa và giải quyết ngập úng cục bộ tại một số điểm trên tuyến đường này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại của người dân và bảo đảm an toàn giao thông. Năm 2010, UBND thành phố có chủ trương cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, đường Tô Hiến Thành nằm trong quy hoạch của 2 dự án:

1- Đồ án quy hoạch đường Nguyễn Văn Linh nối dài ra biển, do BQL dự án công trình đường Bạch Đằng Đông điều hành dự án.

2- Đồ án quy hoạch khu dân cư tổ 13, 14 và khu vực lân cận phường Phước Mỹ, do BQL dự án công trình đường Bạch Đằng Đông điều hành dự án.

Do vậy, quá trình khảo sát thực tế và nghiên cứu quy hoạch trên cơ sở bảo đảm khớp nối về quy hoạch, thoát nước và lắp đặt hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực bị kéo dài. Đến ngày 22-8-2011, UBND thành phố đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch sử dụng đất tuyến đường Tô Hiến Thành tại Quyết định số 7239/QĐ-UBND. Căn cứ đồ án quy hoạch trên, UBND quận Sơn Trà đã lập lại quy mô đầu tư và đang trình UBND thành phố, Sở Kế hoạch-Đầu tư phê duyệt và cho chủ trương đầu tư. Trước mắt, để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ trên đường Tô Hiến Thành, UBND quận Sơn Trà đã hỗ trợ kinh phí cho UBND phường Phước Mỹ khơi thông các mương trạm, giải quyết thoát nước cục bộ.

Theo Công văn số 741/UBND-VP (ngày 6-10-2011) của UBND quận Thanh Khê cho biết, sau khi Báo Đà Nẵng (số ra ngày 3-10-2011) đăng ý kiến phản ánh trụ điện bằng sắt bị mục chân (trước số nhà 96/102 đường Điện Biên Phủ), UBND phường Chính Gián đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị quận kiểm tra, hợp đồng với đơn vị chuyên ngành thay thế trụ điện cũ mà báo đã nêu. Đồng thời, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê đã có ý kiến chỉ đạo và giao Phòng Quản lý Đô thị quận chủ trì, phối hợp với UBND các phường rà soát, kiểm tra đề xuất xử lý kịp thời đối với các trụ điện có nguy cơ ngã đổ, hệ thống điện sinh hoạt và chiếu sáng không bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Cụ thể, đối với một số trường hợp có thể xử lý và thay thế thì đề nghị UBND các phường chủ động sử dụng nguồn KTTC-GTCC đã bố trí để thực hiện; đối với trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của quận thì đề xuất để UBND quận xem xét giải quyết; trường hợp việc khắc phục do các đơn vị chuyên ngành quản lý phải có báo cáo, tham mưu kịp thời để UBND quận kiến nghị các đơn vị giải quyết. Thời gian hoàn thành các công việc nêu trên trước ngày 14-10-2011.

Dịp này UBND quận Thanh Khê cũng đã đề nghị Điện lực Thanh Khê kiểm tra, nâng cấp các trụ đỡ dây điện sinh hoạt trong các khu dân cư, hạn chế việc đi dây dẫn quá nhiều trên các trụ điện chiếu sáng bằng thép gây quá tải và không bảo đảm an toàn.

Phòng Bạn đọc

;
.
.
.
.
.