Túi nilon gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với quá trình phân hủy kéo dài đến... 500 năm. Nhưng do thói quen, việc chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế túi nilon không phải là chuyện dễ.
Từ ngày 1-1-2012, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. Theo Nghị định số 67/2011/NĐ-CP quy định: Túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HPDE, LDPE, LLDPE thuộc diện chịu thuế, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nilon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường. Mức áp thuế tối đa 100%, dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Thế nhưng, qua khảo sát thực tế tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng, tình hình sử dụng túi nilon vẫn không thay đổi so với trước thời điểm áp thuế.
Rác thải nilon luôn xuất hiện mọi nơi. |
Tại chợ Cồn, bà Nguyễn Thị Đắc, chủ một quầy thịt heo cho biết: “Khách yêu cầu bao nhiêu túi nilon cũng được đáp ứng để họ vừa lòng và lần sau còn ghé mua. Khách quen xin thêm 1 - 2 túi là chuyện thường. Chúng tôi bỏ thêm mấy chục ngàn đồng cho túi nilon cũng chẳng sao, vì nếu không có túi nilon thì lấy gì đựng hàng cho khách. Trong khi đó, sản phẩm thay thế túi nilon chỉ mới nghe nói chứ chưa thấy đâu cả”.
Hầu hết các tiểu thương đều có câu trả lời tương tự như trên. Thậm chí, có người còn không biết việc áp thuế, chỉ thấy giá túi nilon dao động từ trước đến sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và hiện bình ổn trở lại. Chợ Cồn có khoảng 10 ki-ốt kinh doanh sỉ, lẻ túi nilon, bình quân mỗi ngày bán ra khoảng từ 4 - 5 tạ túi nilon. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cho biết, lượng túi bán ra vẫn bình thường, ít tăng hoặc giảm, giá cả nhập về và bán ra cũng đang dần ổn định trở lại.
Theo ông Nguyễn Thu, Phó Ban quản lý chợ Cồn, hiện có khoảng gần 2.000 hộ kinh doanh cố định và di động, bình quân mỗi ngày có hơn 5.000 lượt người trao đổi, mua bán. Vào các ngày lễ, Tết, lượng người thường tăng gấp đôi và gần như tất cả quá trình trao đổi hàng hóa đều có mặt sản phẩm túi nilon. Ông Thu cho rằng, hầu như không thể giảm hoặc bỏ hẳn túi nilon, trừ khi có sản phẩm thay thế phù hợp. Công ty Phúc Lê Gia đóng tại thành phố Hồ Chí Minh, có chi nhánh ở Đà Nẵng đã đến chợ Cồn giới thiệu, trưng bày sản phẩm túi nilon thân thiện môi trường. “Ngoài việc giá thành cao, sản phẩm thay thế đến nay chưa thể hiện tính ưu việt và chưa thật sự hấp dẫn người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm thay thế cũng chưa có mặt tại các sạp của các tiểu thương trong chợ. Chưa kể công ty này còn yêu cầu tiểu thương nếu muốn mở đại lý phân phối thì phải đóng tiền cọc khá lớn để làm “bảo hiểm” hàng hóa. Điều này càng khó để người sử dụng túi nilon tiếp cận với sản phẩm thay thế”, ông Thu nói. Mặt khác, cũng theo ông Thu, thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng túi nilon thật không dễ.
Theo các chuyên gia môi trường, túi nilon chiếm khoảng hơn 10% lượng rác thải hiện nay và phải hơn 500 năm mới có thể phân hủy. Trong túi nilon chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành các khí độc hại. Hơn nữa, khi đựng thức ăn nóng trong túi nilon, những chất này có thể thấm vào thức ăn, gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, việc định hướng người tiêu dùng sang các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường là hợp lý. Song, cần kèm theo các biện pháp tuyên truyền và sản phẩm thay thế phù hợp để người tiêu dùng nhận thức được tác hại thật sự của túi nilon.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY