Các tổ chức Đoàn ra quân xóa những mẩu quảng cáo rao vặt (QCRV) không đúng quy định. Song, sau một vài ngày, thậm chí chỉ một đêm, QCRV lại xuất hiện ấn tượng hơn.
Những tờ giấy dán QCRV, dòng sơn khoan cắt bê-tông, hút hầm cầu… không chỉ xuất hiện trên các cột điện ở nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Đà Nẵng mà còn len lỏi cả vào những ngõ ngách, những con đường nhỏ… Nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia ra quân lột, xóa các QCRV không đúng quy định trên các tuyến đường cho biết, không thể dẹp bỏ triệt để được tình trạng “loạn” QCRV. Lần nào ra quân cũng cố gắng mang lại sự sạch đẹp cho các cột điện. Vậy mà chỉ vài ngày sau thì nhiều tờ giấy dán QCRV lại xuất hiện. Thậm chí, càng lột xóa sạch QCRV thì càng tạo ra vị trí đẹp, thuận lợi cho các QCRV mới xuất hiện.
Để dẹp “loạn” QCRV, tháng 7-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Theo Khoản 5b, Điều 29 của Nghị định này, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định; viết, vẽ, dán quảng cáo lên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường. Nếu tái phạm, sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Cũng trong tháng 7-2010, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng quyết định thưởng nóng cho việc phát hiện và bắt giữ những người dán, kẻ, phát tán tờ rơi QCRV không đúng quy định với mức thưởng 200.000 đồng/trường hợp; chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp bị bắt quả tang (người đang có hành vi QCRV trái phép) và cả những trường hợp không bắt quả tang (căn cứ trên số điện thoại, địa chỉ); kiên quyết cắt các số điện thoại vi phạm và không cho phép phục hồi. Trường hợp phát hiện số điện thoại không có đăng ký thông tin người sở hữu thì sẽ xử lý đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định…
Nhờ vậy, thời gian qua, các địa phương và cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc tuần tra phát hiện, bắt giữ những người dán, sơn, phát tờ rơi QCRV. Nhưng thực tế, ở một số phường, những người dán, viết, kẻ QCRV thường là học sinh, sinh viên, trẻ em, người nghèo nên các cơ quan chức năng chỉ lập biên bản, thu giữ tang vật, vật dụng hành nghề rồi cho về, vì số tiền xử phạt (xử phạt dưới 2 triệu đồng đối với cấp phường và trên 2 triệu đồng đối với cấp quận) quá lớn so với thu nhập, tài sản của họ. Việc đấu tranh, khai thác những người này để truy tìm, xử lý chính chủ dịch vụ thuê họ làm QCRV không đúng quy định lại gian nan bội phần.
HOÀNG HIỆP