“Chú nhìn xem, mớp ta-luy đường nứt toác, hở ra cả chục centimet thế kia, ai mà không sợ chứ. Mới chỉ là mưa “nháp” thôi, chứ sắp tới mưa lớn vào mùa, lũ quét từ sông dưới chân, đất, đá lở trên đầu từ đường mới, chắc không sống nổi quá”, bà Lê Thị Đang, sống ở thôn An Định (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) gần 30 năm, chỉ vào mép ta-luy đường ADB5 bị nứt lo sợ.
Đoạn sạt lở nghiêm trọng trên ta-luy đường ADB5 (Bắc Thủy Tú - Phò Nam). |
Đường Bắc Thủy Tú - Phò Nam dài 12,3km, tổng mức đầu tư 52 tỷ đồng từ vốn của Ngân hàng châu Á (ADB), thường gọi là đường ADB5 do Công ty CP Xây dựng công trình thủy Hà Nội cùng Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng nông thôn Hà Nội trúng thầu, thi công đến nay cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, đoạn đường đi qua thôn An Định xuất hiện dấu hiệu sụt lở mái ta-luy nghiêm trọng.
Khi chúng tôi có mặt tại thôn An Định, bà Lê Thị Đang chỉ vào 7 chóp nhà nằm khuất sâu dưới mặt đường đến 2-3m nói: “Đất ta-luy mép đường là đất “mượn”. Chỉ cần mưa lớn, nước từ núi đổ xuống sẽ kéo theo lượng đất mới này (hàng trăm m3) trôi xuống, và 7 ngôi nhà kia sẽ chỉ trong tích tắc bị đất đá “nuốt” gọn. Chúng tôi sống ở đây gần 30 năm rồi, hằng năm đủ sợ với lũ ống, lũ quét từ sông Cu Đê, nay đường mới hoàn thành, nhưng xe cộ chưa chạy được bao nhiêu mà ta-luy đường đã nứt thế kia, ai bảo đảm nó sẽ không sụt xuống”. Cách 7 ngôi nhà nằm lọt sâu dưới con đường mới một đoạn, con đường mới bị nứt, ăn sâu vào lòng đường, phía dưới là lòng sông cuộn chảy, phía trên là núi cao, con đường vắt vẻo chạy qua sườn núi giữa sông và núi. Đứng trên đường mới sát mé ta-luy đang “há miệng” chờ trôi sông, nhìn xuống 7 ngôi nhà nằm sâu dưới mặt đường sẽ không khỏi lo lắng: Khi mưa xuống, khối đất mới kia sẽ trở thành “thần chết” chôn vùi 7 ngôi nhà.
Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết huyện Hòa Vang và thành phố đã có phương án di dời, tìm địa điểm thích hợp để chuyển các hộ dân về nơi ở mới nhằm bảo đảm an toàn. Vị trí di dời là khu đất nằm cách vị trí cũ khoảng 300m (theo hướng Phò Nam - Thủy Tú). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi từ phía chính quyền cấp trên nên cũng chưa biết khi nào người dân sẽ tiến hành di dời. “Trước mắt, xã cũng đã tìm địa điểm kiên cố, thích hợp để di dời dân trong trường hợp khẩn cấp khi có nguy cơ sạt lở hoặc lũ quét. Đây chỉ là chỗ trú tạm thời trong trường hợp có sự cố. Về lâu dài phải chờ thành phố và huyện thực hiện phương án dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Trưởng Ban Quản lý Dự án giao thông nông thôn, cho biết về cơ bản đường đã hoàn thành, dự kiến bàn giao trong tháng 10 tới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ mưa lớn thời gian qua, một số điểm bị sạt lở nên phía nhà thầu đang quản lý, tiến hành khắc phục xong mới bàn giao công trình.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY