Lợi dụng những sinh viên (SV) muốn kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, nhiều trung tâm môi giới, công ty đã tranh thủ cơ hội tung ra nhiều chiêu lừa tiền. Các kiểu lừa này tuy không mới nhưng cũng có không ít SV “mắc bẫy” vì cả tin.
Sinh viên nên cảnh giác với những tờ rơi tuyển dụng không rõ việc, không có địa chỉ cụ thể. |
Với những lời mời chào hấp dẫn từ một số trang tìm việc hoặc tờ rơi được phát tại các cổng trường ĐH, CĐ, các ngã ba, ngã tư đường phố như: “Tuyển gấp 20 nhân viên văn phòng, công việc trực và tư vấn qua điện thoại, làm giờ hành chính…”, “Cần tuyển 15 nhân viên bán hàng (không cần kinh nghiệm), 10 cộng tác viên, được đào tạo trước khi làm, có việc làm tốt cho học sinh, SV, lương tùy theo thời gian làm việc và năng lực”…, đã có không ít người tìm đến mong có cơ hội việc làm như ý muốn. Tuy nhiên, trong số đó có không ít những nhà tuyển dụng “ma” đang tìm cách đưa người xin việc vào “bẫy”.
Quê ở Gia Lai, xuống Đà Nẵng nhập học chưa lâu, L.T.H (SV Trường CĐ Thương mại) nhận được tờ rơi cần tuyển nhân viên, cộng tác viên bán hàng, không cần kinh nghiệm và được đào tạo trước khi làm. Đang muốn đi làm thêm mà chưa biết xin ở đâu vì chỗ nào cũng hỏi phải có kinh nghiệm, H. liên lạc theo số điện thoại trên tờ rơi (trên tờ rơi chỉ có tên công ty, không có địa chỉ) thì được người tên là D. hướng dẫn đến nộp hồ sơ và phỏng vấn.
Đến nơi, H. được phỏng vấn với những câu hỏi như: “Em quê ở đâu? Đã từng đi làm ở đâu chưa?”… Sau đó, D. bắt đầu đầu thao thao giới thiệu về công việc là đi chào bán một loại mỹ phẩm và lương chính là phần trăm hoa hồng từ những sản phẩm bán được, nếu bán đủ số doanh thu/tháng thì hưởng thêm phần trăm trên tổng doanh thu đó. Khi H. hỏi thủ tục hồ sơ gồm những gì thì D. cho biết cô chỉ phải nộp một bản CMND photo, điền các thông tin vào một bản đăng ký và nộp 99.000 đồng tiền tài liệu cho hai buổi tập huấn; xong hai buổi tập huấn thì chính thức đi làm.
Tuy nhiên, khi xem xét bản đăng ký, H. thấy không có bất kỳ ràng buộc, không có các chế độ đãi ngộ dành cho nhân viên nên cô do dự. H. hỏi các anh chị khóa trước thì nhận được lời khuyên: Công việc này không dễ làm như quảng cáo, rất nhiều người nộp tiền rồi bỏ vì không bán được hàng. “May mà em chưa nộp tiền, không thì vừa mất tiền vừa tốn thời gian”, H. cho biết.
Không may mắn như H., K.Â. (SV Trường ĐH Kinh tế) từng được một người bạn hứa sẽ giới thiệu cho một công việc nhàn, lương cao tại Công ty TNHH H.T.Đ. Nhưng muốn là thành viên, Â. được yêu cầu mua mặt hàng của công ty này từ 1,7 - 4 triệu đồng để tham gia mạng lưới của công ty. Â. đã vay mượn bạn bè cho đủ số tiền nhưng khi tham gia rồi mới biết là bị lừa, vì thực chất công việc của Â. là tiếp tục đi mời người khác tham gia vào công ty để hưởng phần trăm hoa hồng. Lúc đầu, để kiếm lại số tiền, Â. cũng lên chiến dịch lôi kéo, mời bạn bè. Cuối cùng, do dành quá nhiều thời gian cho công việc, kết quả học tập không được như ý, bạn bè cứ thấy Â. là tránh né vì sợ được giới thiệu việc làm theo kiểu như thế nên cô quyết định nghỉ làm ngay trong tháng đầu tiên và chấp nhận mất 1,7 triệu đồng.
Ngoài các chiêu trò trên, những mánh khóe giới thiệu việc làm cho SV còn được quảng cáo dưới các hình thức môi giới tại một số trung tâm gia sư, trực và tư vấn qua điện thoại… Để tránh bị lừa, SV nên tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định, cần tỉnh táo trước các cơ hội việc làm quá dễ, đồng thời nên tìm hiểu kỹ về nơi định xin việc hoặc liên hệ với các trung tâm hỗ trợ SV tại các trường để được tư vấn thêm.
Bài và ảnh: CAO MINH