.

Chợ cóc: Cấm cứ cấm, bán cứ bán!

.

Mặc dù các ngành chức năng đã ra quân quyết liệt để dẹp nạn chợ cóc, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, nhưng cấm cứ cấm, chợ vẫn họp sôi nổi.

Chợ cóc chiếm hết con đường bên hông chợ Mới (quận Hải Châu).
Chợ cóc chiếm hết con đường bên hông chợ Mới (quận Hải Châu).

Cứ bán được là thành chợ

Buổi sáng, cả đoạn đường dài khoảng hơn 600m bên hông chợ Mới (quận Hải Châu) tấp nập kẻ bán, người mua với đầy đủ các mặt hàng không thua gì khu chợ chính nên việc lưu thông vào giờ cao điểm tại nơi đây rất khó khăn. Nhiều người dân sinh sống ở khu vực này cho biết, chợ cóc này hình thành từ 3, 4 năm nay. Ban đầu chỉ là vài gian hàng xép, sau việc buôn bán ngày càng tiến triển tốt lại không bị ai kiểm soát nên cứ đông dần.

Ăn theo việc hình thành khu chợ, nhiều đoạn kiệt với bề ngang chỉ rộng khoảng 1,2m cũng được người dân tận dụng làm nơi để hàng, giữ xe. Tương tự, đường Phạm Phú Thứ (gần chợ Hàn, quận Hải Châu) lâu nay là khu vực buôn bán hoa và hàng hóa của một số người dân từ quê ra. Đặc biệt, mặc dù đã có cả khu chợ Hàn rộng lớn bên trong nhưng chợ cóc ở đường Nguyễn Thái Học vẫn hoạt động mạnh mẽ bất kể sáng hay chiều.

Bà Hồ Thị Hà (ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), chủ một gian hàng xép trên đường Nguyễn Thái Học cho biết: “Tui bán ở đây gần 5 năm rồi. Khi nào có mấy anh đô thị (Đội quy tắc đô thị - PV) đến thì tui dọn hàng gọn gàng chút, đợi họ đi xong lại bày ra bán. Dù bán ở ngoài đường nhưng tui phải đóng phí 2.000 đồng/ngày”.

Qua tìm hiểu, phần lớn người dân đang kinh doanh, buôn bán trên đoạn đường này đều biết mình sai nhưng vì thấy không bị phạt nặng, vẫn “được” đóng phí chợ nên… yên tâm giữ nghề.

Với ưu điểm thuận tiện, tiết kiệm cho người mua cả thời gian lẫn tiền gửi xe, chợ cóc ngày càng ăn nên làm ra.

Mâu thuẫn giữa lý và tình

Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội quy tắc đô thị quận Hải Châu cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã làm rất quyết liệt công tác kiểm tra, rà soát và xử phạt các hành vi vi phạm về trật tự an ninh đô thị, đặc biệt là việc lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán trái phép”. Tuy nhiên, cũng theo ông Rân, mọi biện pháp chỉ dừng lại ở mức hạn chế, còn để giải quyết dứt điểm tình trạng này rất khó”. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các đối tượng buôn bán ở các chợ cóc có hoàn cảnh khó khăn, nghèo. Với họ, đây là nghề mưu sinh để nuôi sống gia đình. Để giải quyết vấn nạn này, chúng tôi bị giằng co giữa lý và tình. Ngay trong Chỉ thị 03 của Quận ủy Hải Châu cũng đã nhấn mạnh, phải thực hiện song hành hai nhiệm vụ là giữ gìn trật tự, văn minh đô thị và bảo đảm an sinh xã hội”. Theo đó, việc xử phạt các hành vi vi phạm được phân chia ra từng đối tượng khác nhau: với những hộ gia đình có mặt bằng ổn định mà lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán thì quận kiên quyết xử lý; với những người có hoàn cảnh khó khăn thì được kinh doanh buôn bán, nhưng quy định thời gian, địa điểm.

Một nguyên nhân nữa khiến khó dẹp bỏ nạn chợ cóc là nhiều chợ đã ngầm cho phép nhân viên bảo vệ thu phí đối với người tham gia kinh doanh, buôn bán ở lề đường, vỉa hè, dù không có bất cứ văn bản nào quy định. Mức phí chỉ từ 2.000-3.000 đồng/ngày nhưng hành động này đã “bật đèn xanh” để người dân yên tâm buôn bán, dù trên thực tế họ đang vi phạm.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.