.

Cần thận trọng khi sử dụng đồ bành

.

Kiểu dáng, mẫu mã độc đáo, phong phú của đồ second-hand (thường được gọi là đồ bành) rất thu hút người mua. Tuy nhiên, cần thận trọng với áo quần đã qua sử dụng bởi những hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đồ bành được nhiều người ưa chuộng vì kiểu dáng độc đáo, giá rẻ. Trong ảnh: Một góc đồ bành ở chợ Cồn.
Đồ bành được nhiều người ưa chuộng vì kiểu dáng độc đáo, giá rẻ. Trong ảnh: Một góc đồ bành ở chợ Cồn.

Tại các cửa hàng, sạp bán đồ bành trong thành phố luôn nhộn nhịp người vào, ra. Với giá cả phải chăng, chỉ từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng là có một món đồ ưng ý nên nhiều người vẫn thích đi lựa đồ bành. Cứ tầm cuối giờ chiều, một góc trong chợ Cồn lại đông vui, nhộn nhịp hẳn. Những lời mời chào hấp dẫn của người bán hàng “mười lăm ngàn đồng một món, vô lựa, vô lựa” đã khiến khách hàng tò mò. Gần 20 tấm bạt được trải trên nền chợ, quần áo, thắt lưng, túi xách, ví được đổ đống.

Tranh thủ bới đống hàng mới xổ toàn áo khoác và quần sort jean, chị Hồ Thị Vy (31 tuổi, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) chia sẻ: “Muốn mua được những món độc thì phải chịu khó đi lựa. Lần nào may mắn thì có những món hàng còn mới nguyên, kiểu dáng độc đáo, nhưng có hôm chẳng được món nào”. Chị Vy còn tiết lộ muốn có hàng độc nên đến những cửa hàng bán đồ bành và để lại số điện thoại, ngay khi có hàng về họ sẽ gọi mình đến lựa chọn.

Đồ bành còn được gọi là đồ sida, tên gọi của những thùng quần áo cũ do một tổ chức nhân đạo Thụy Điển có tên SIDA viện trợ cho Việt Nam vào những năm 1980, 1990. Tuy hiện tại không còn hàng viện trợ như vậy nữa, nhưng khái niệm đồ bành, đồ sida trở nên phổ biến, dùng để chỉ những áo quần đã qua sử dụng và được bán với giá rẻ.

Không chỉ quần, áo mà tại góc cuối của chợ Đống Đa còn có hàng loạt những quầy bán túi xách, ví, thắt lưng… đã qua sử dụng. Có những chiếc túi xách đã cũ nhưng bằng da tốt, vẫn được nhiều người thích dùng bởi giá thành đôi khi chỉ bằng 1/3, 1/4 giá trị thật của nó. Nhưng cũng có những món chẳng hề rẻ so với hàng mới. “Đó là hàng còn nguyên mác, là hàng hiệu giảm giá ở nước ngoài về, chủ yếu là áo da, áo dạ”, chị Hạnh - chủ shop bành tuyển Thu Hạnh trên đường Nguyễn Phước Nguyên (phường An Khê, quận Thanh Khê) cho biết. Cũng theo chị Hạnh, số đồ này chủ yếu được đưa từ Lào, Campuchia về, sau đó bán lại cho những người bán lẻ. Chị cũng lựa lại một số đồ đẹp bán tại cửa hàng của mình.

Song, dù giá thành rẻ, kiểu dáng độc đáo, mẫu mã phong phú, đa dạng nhưng đồ bành cũng tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cho người mua. Phần lớn những tín đồ của hàng second-hand chỉ quan tâm đến kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, kích cỡ của món hàng mà ít để ý người chủ cũ của món đồ có mắc bệnh, món hàng có được khử trùng hay không. Theo một bác sĩ của phòng khám da liễu tư trên đường Đỗ Quang, những bộ quần áo cũ chưa kịp giặt có thể chứa nhiều vi khuẩn, do được bày bán lâu ngày chất thành đống, bụi bẩn bám vào sinh nấm, mốc. Nếu người mua không giặt mà mặc luôn thì nguy cơ mắc bệnh rất cao. Các loại nấm, vi khuẩn bệnh ký sinh trên quần áo, các chất tẩy cực mạnh cũng không dễ gì tiệt trùng được nên khi mặc, những vi khuẩn này nhanh chóng xâm nhập cơ thể, nhất là những nơi nhạy cảm, dẫn đến viêm loét da. Một trong những “mẹo” để giảm nguy cơ lây bệnh khi sử dụng đồ bành là: Sau khi giặt sạch và phơi khô quần áo, người mua nên để vài ngày sau mới mặc. Tốt nhất là nên ủi kỹ mặt trong của quần áo trước khi sử dụng.

Bài và ảnh: CAO MINH
 

;
.
.
.
.
.