.

Trở lại “xóm hoàn lương”

.

Thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), vốn được gọi là “xóm hoàn lương”. Ở đó có những chị em từng được đưa vào Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 (Trung tâm 05-06) nay đã hoàn lương, trở về với cộng đồng.

Lộc Mỹ hôm nay có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn đó những trăn trở...

Đường bê-tông đã dẫn về tận cửa mỗi nhà.
Đường bê-tông đã dẫn về tận cửa mỗi nhà.

Từng là “ốc đảo”

Con đường nhầy nhụa bùn lầy từ cầu Nam Yên đi lên thôn Lộc Mỹ là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây, thách thức những người ở xa tới. Ngày trước, người lên vùng kinh tế mới Lộc Mỹ chỉ bám núi, rồi men theo lối cũ về xuôi, đi miết thành lối, thành đường. Sau khi dự án Trung tâm 05-06 triển khai xây dựng, con đường bùn đất cũng được khởi công làm mới.

Tôi lần đầu đặt chân lên Lộc Mỹ khi con đường đang thi công dang dở, bùn ngập nửa bánh xe, trầy ngang, bổ dọc theo từng mét nhích bánh. Chạy xe ùn khói đến hơn một giờ đồng hồ cho chặng đường khoảng 3km từ cầu Nam Yên đến Lộc Mỹ. Đường về Lộc Mỹ thuở đó còn khúc khuỷu, gian khó vạn lần. Đạp chân đến con dốc đổ xuống suối, bên kia dòng suối là con đường cát đá độc đạo dẫn về “xóm hoàn lương”. Có lẽ, địa hình ẩn mình trên núi ấy mới rộng lòng đón nhận những cuộc đời từng lầm lỗi - 9 chị em hết thời gian giáo dục ở Trung tâm 05-06 và trở về sống cuộc đời hoàn lương.

Về Lộc Mỹ, con đường duy nhất là vượt suối, ngày nắng còn đỡ, mùa nước lớn thì coi như bị cô lập. Vì thế, Lộc Mỹ từng như ốc đảo nằm cách biệt với thế giới bên ngoài. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đi rừng hái củi, rau rừng, bắt cá suối. “Bây giờ đổi mới rồi, đường bê-tông dẫn vào tận thôn, nhưng Lộc Mỹ vẫn còn lắm gian nan và vất vả. Con đường vào thôn vẫn đứt đoạn bởi con suối”, ông Phạm Tấn Minh, Trưởng thôn Lộc Mỹ cho biết.

Cuộc sống mới

Bây giờ đi trên đường bê-tông sạch sẽ, thoáng đãng, từ UBND xã Hòa Bắc chạy 10 phút xe máy là đến thôn Lộc Mỹ. Đường bê-tông nối từ đường chính (vào Trung tâm 05-06) về thôn theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, dài 250m. UBND huyện cấp xi-măng, người dân trong thôn góp cát, sạn, ngày công cùng làm đường. Mùa mưa lũ năm 2011, nước suối lại cuốn phăng 100m đường bê-tông kết hợp đường tràn và người dân lại lội suối. “Trong lần tiếp xúc cử tri, tôi đại diện cho người dân thôn Lộc Mỹ có ý kiến đề nghị sớm tu sửa đường bê-tông vào thôn. Nghe thông tin Sở Giao thông vận tải đã có kế hoạch trình UBND thành phố nâng cấp, tu sửa đập tràn và 100m đường bê-tông, bà con ở đây mừng lắm, mong sớm triển khai để dịp Tết âm lịch có đường đi”, ông Minh cho biết.

Gặp ông Minh đang chở lúa đi xát ở ngay con suối, câu chuyện vội vã bên dòng suối nhưng cũng đủ cho tôi hình dung được cuộc sống và tình cảm người dân “xóm hoàn lương” bây giờ ra sao. 67 hộ dân, sống chủ yếu bằng nông nghiệp, 4-5 hộ mở mô hình nuôi ếch, nhưng cũng thu nhập bấp bênh. Rồi cây ớt có lúc người làm ra nó cũng “cay mắt” vì nó bởi thời tiết đỏng đảnh, bởi giá thấp, rồi nạn trâu bò phá hoại...

Tôi tìm gặp, thăm hỏi về hoàn cảnh của 9 người phụ nữ từ Trung tâm 05-06 trở về Lộc Mỹ. “Chị Lực (Bùi Thị Lực) về Nam Ô làm việc, lâu lâu mới ghé về nhà để quét dọn, thắp nhang. Chị Nguyệt (Trần Thị Minh Nguyệt) đã bán nhà, qua ở với bà Phúc (Trần Thị Phúc), đau ốm suốt ngày, khó khăn lắm. Bà Oanh vào núi cùng chồng, bà Thủy đi vắng...”, bà Hoa kể về những “chị em” làm nên “xóm hoàn lương”.

Còn ông Minh chia sẻ: “Hiện nay, các chị Lực, Nguyệt, Thủy (Hà Thị Thu Thủy) sống đơn thân. Trong số đó, chị Nguyệt, chị Thủy gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thôn đã đề xuất chính quyền xã và chị Thủy được hỗ trợ một con bò để chăn nuôi. Trước đây, các chị Lực, chị Nguyệt đã được hỗ trợ bò. Hằng năm vào dịp lễ, Tết, chúng tôi đều tổ chức thăm, tặng quà, động viên các chị. Cuộc sống hòa đồng, vui vẻ, thôn xóm đùm bọc lẫn nhau”.

Con đường bê-tông vẫn ngăn cách bởi dòng suối chảy xiết. Hiện tại, hơn 70 học sinh các cấp trong thôn vẫn nhọc nhằn vượt suối tìm chữ bất kể ngày nắng, ngày mưa. Lộc Mỹ dưới ráng chiều sắp tắt bàng bạc khói mây, lúc ẩn lúc hiện như sự nghèo khó của nó vậy.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.