Xung quanh việc thành phố Đà Nẵng góp ý Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 (bài “Trả nước về sông Vu Gia”, Báo Đà Nẵng số ra ngày 14-2-2014), cuối tuần qua, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành Công văn số 77 phản hồi các vấn đề liên quan.
Nước sông Cầu Đỏ thường xuyên nhiễm mặn vào mùa khô. Trong ảnh: Bảo vệ đường ống dẫn nước thô qua sông Cầu Đỏ. |
Tuy vậy, giải trình về việc chọn mực nước khống chế của sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và lưu lượng xả nước về sông Vu Gia của Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Đăk Mi 4 vẫn xem nhẹ lợi ích, thiệt hại dân sinh và môi trường sinh thái ở hạ du, coi trọng lợi ích phát điện của NMTĐ này.
Dựa trên kết quả quan trắc từ năm 1976-2012, thành phố Đà Nẵng cho rằng, mực nước trung bình nhiều năm trên sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa là 3,37m, mực nước trung bình mùa cạn (từ ngày 15-12 đến 31-8) là 2,93m, mực nước trung bình của 3 tháng cạn kiệt nhất (tháng 2, 3 và 4) là 2,8m. Trên cơ sở này, Đà Nẵng đề nghị chọn mực nước khống chế tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa là 2,8m trong suốt mùa cạn làm cơ sở vận hành xả nước trả lại sông Vu Gia của NMTĐ Đăk Mi 4 với mức xả 25m3/s khi mực nước xuống dưới 2,8m; xả 12,5m3/s khi mực nước từ 2,8 -2,93m và xả 5m3/s khi mực nước cao hơn 2,93m.
Với quy trình xả nước như vậy, trung bình hằng năm, NMTĐ Đăk Mi 4 cũng chỉ trả lại sông Vu Gia 452,8 triệu m3 nước, chiếm 38% so với tổng lượng nước mà NMTĐ Đăk Mi 4 đã lấy đi trong mùa cạn của sông Vu Gia (1,2 tỷ m3 nước). Việc chọn cao trình mực nước 2,8m tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa làm cơ sở vận hành xả nước về sông Vu Gia cũng phù hợp với cao trình mực nước thiết kế của Trạm bơm Ái Nghĩa (ở ngay khu vực Trạm thủy văn Ái Nghĩa) là 2,8m.
Trong khi đó, tại công văn phản hồi, Cục Quản lý tài nguyên nước vẫn khẳng định, các vấn đề xả nước của NMTĐ Đăk Mi 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc. Theo đó, từ năm 1976-2008 (trước khi có hồ thủy điện), mực nước trung bình 3 tháng nhỏ nhất tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa là 2,67m, trung bình 1 tháng nhỏ nhất là 2,53m. Với việc chọn mực nước khống chế là 2,53m để vận hành xả nước về sông Vu Gia, thiệt hại về điện của thủy điện Đắk Mi 4 trong mùa cạn dao động từ 55-144,6 triệu kWh.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, việc chọn mực nước khống chế tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa là 2,53m làm cơ sở vận hành đồng nghĩa với việc đặt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái cạn kiệt nguồn nước. Việc NMTĐ Đăk Mi 4 xả từ 5-8m3/s vào mùa cạn kiệt chỉ duy trì nước ở đoạn sông “chết” từ NMTĐ Đăk Mi 4 đến Bến Giằng (huyện Nam Giang, Quảng Nam), không bổ sung nước cho sông Vu Gia.
Còn theo ghi chép của phóng viên, năm 2013, khi mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa dao động từ 2,53-2,67m (đo lúc 7 giờ), độ mặn của sông Cầu Đỏ tại cửa thu nước thô Nhà máy nước Cầu Đỏ dao động từ 1.000-6.900mg/l, trong khi chỉ với 250mg/l đã được xem là nhiễm mặn nặng. Đặc biệt, ngày 9-4-2013, độ mặn lên đến 6.962mg/l trong khi mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa duy trì ở mức 2,55m. Mực nước tại đây nhiều lúc đã cạn kiệt xuống gần 2m và ngay cả khi đã trên mức 3m thì sông cầu Đỏ vẫn bị nhiễm mặn nặng.
Điển hình, ngày 16-4-2013, khi mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa duy trì ở mức 3,03m, sông cầu Đỏ bị nhiễm mặn ở mức 1.135mg/l. Ngay “chiến dịch” xả nước phục vụ đổ ải, gieo sạ vụ hè thu (từ ngày 15-5 đến 30-5-2013), dù 2 NMTĐ đã xả nước với lưu lượng gấp đôi so với yêu cầu trong nhiều giờ và nhiều ngày nhưng vẫn không đủ đẩy mặn cho sông Vĩnh Điện để Trạm bơm Tứ Câu hoạt động, phải đắp đập bổi ngăn sông để ngăn mặn xâm nhập và huy động thêm một đợt xả nước nữa mới giảm được mặn.
Việc chọn mực nước khống chế 2,53m làm cơ sở vận hành xả nước và việc quy định mức xả nước về sông Vu Gia của NMTĐ Đăk Mi 4 như trong dự thảo quy trình là còn thiếu thực tế, coi trọng lợi ích phát điện mà bỏ quên việc đẩy mặn phục vụ cấp nước sinh hoạt cho hạ du cũng như điều hòa môi sinh. Việc nhiễm mặn dài ngày và thường xuyên sẽ càng thúc đẩy nhanh quá trình suy thoái môi trường sinh thái ở cuối nguồn.
Chưa kể, doanh nghiệp và người dân Đà Nẵng phải tự gánh thêm khoản kinh phí phát sinh do Nhà máy nước Cầu Đỏ phải bơm nước từ đập dâng An Trạch về sản xuất. Điều đáng nói là nếu xảy ra sự cố đối với đường ống cấp nước thô từ An Trạch về Nhà máy Nước Cầu Đỏ, các NMTĐ phải xả nước khẩn cấp về sông Vu Gia như thế nào thì dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa hằng năm các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 chưa đề cập cụ thể… Cục Quản lý tài nguyên nước cần thực hiện đúng lời hứa là tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP