.
Vấn đề bạn đọc quan tâm

Bao giờ di dời làng đá mỹ nghệ?

.

Dự án quy hoạch Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước giai đoạn 1 được triển khai từ cuối năm 2008, đến cuối tháng 8-2013 hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, dự kiến cuối quý 1-2014 di dời tất cả các hộ sản xuất vào khu quy hoạch mới.

Sản xuất đá gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường sá ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước.
Sản xuất đá gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường sá ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Đến nay, hơn 2 tháng so với dự kiến trôi qua nhưng vẫn chưa có một hộ sản xuất nào được chuyển vào khu quy hoạch mới.

Ông Huỳnh Chín, Trưởng ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết. “Trong tháng 6 này, chúng tôi sẽ tổ chức di dời 9 hộ được xét duyệt đầu tiên vào khu quy hoạch. Đồng thời, với việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải sẽ di dời thêm 34 hộ tiếp theo. Khi dự án xử lý nước thải hoàn thành, đi vào hoạt động, các hộ vào trước cũng sẽ bắt đầu tiến hành sản xuất tại địa điểm mới. Đối với các hộ còn lại sẽ phân từng đợt để di dời. Công tác di dời không thể ồ ạt cùng lúc vì sẽ không thể quản lý xuể. Di dời theo từng đợt có điều kiện rút kinh nghiệm và bố trí hợp lý cho các hộ bảo đảm công việc sản xuất thuận lợi cũng như dễ dàng trong công tác quản lý”.

Lý giải nguyên nhân chậm di dời các hộ vào khu quy hoạch, ông Huỳnh Cự - Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn nói rằng, do vướng mắc dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải chậm triển khai nên chưa thể di dời các hộ sản xuất đá vào cơ sở mới theo đúng dự kiến ban đầu. “Trong khi chưa có hệ thống xử lý nước thải đã tổ chức các hộ sản xuất đá, sẽ dễ dàng rơi vào “vết xe đổ” ở nơi sản xuất cũ. Nghĩa là, nước thải sản xuất không qua hệ thống xử lý, chảy thẳng vào hệ thống thoát nước, lâu ngày sẽ bị đóng cặn và mất tác dụng cống thoát nước, dẫn đến ô nhiễm môi trường như trước đây”, ông Cự nói.

UBND thành phố đã đồng ý đầu tư 19,4 tỷ đồng xây dựng Trạm xử lý nước thải Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tại khu quy hoạch mới. Sau khi hoàn thiện, Trạm xử lý nước thải này cùng với hệ thống tuyến ống thu gom xây dựng hoàn thiện, toàn bộ nguồn nước thải sản xuất của làng nghề sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả vào môi trường, bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước, không ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch và sức khỏe của dân cư sinh sống trong làng nghề và khu vực xung quanh. Trạm xử lý được xây dựng trên diện tích gần 2.000m2, có công suất xử lý nước thải 1.500m3/ngày, đêm.

Cùng với đó, đối với các hộ có cơ sở sản xuất đá, phải xây dựng hệ thống bể lắng theo quy định trước khi đấu nối nguồn nước thải vào hệ thống chung của làng nghề dẫn về trạm xử lý. Ông Huỳnh Chín cho biết hiện đã khảo sát, đóng mộc định vị xong toàn bộ dự án, địa điểm xây dựng, đã khởi công vào ngày 10-6, dự kiến trong 2 tháng sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Với gần 500 cơ sở, khoảng hơn 2.500 lao động sản xuất mang tính tự phát, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã để lại nhiều giá trị bền vững của một làng nghề truyền thống, nhưng hệ quả về ô nhiễm môi trường cũng không hề nhỏ. Trước cơ hội chuyển đến cơ sở mới với những tiềm năng mở ra, ngoài chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quản lý, cần lắm đôi bàn tay của các nghệ nhân, thợ đá lành nghề chung tay làm nên những giá trị bền vững.

Ngày 3-4 vừa qua, Hội đồng xét công nhận dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết kiêm Chủ tịch Hội đồng đã bỏ phiếu tán thành (tỷ lệ 100%, 11/11 phiếu) hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống - làng nghề truyền thống cho Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Dịp Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10-3 âm lịch), Ban quản lý làng nghề đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu mà suốt mấy trăm năm qua từ khi làng nghề hình thành, tồn tại, phát triển vẫn chưa được ghi danh một cách chính thống.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.