Bạn đọc
Sớm giải quyết thiếu nước sản xuất ở KCN Hòa Khánh
Thời gian qua, việc tập trung cung cấp nước cho Nhà máy bia VBL Đà Nẵng tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh và nhà máy này nâng công suất sản xuất bia đã dẫn đến tình trạng thiếu nước thủy cục ở KCN.
Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Sữa Đà Nẵng được các cơ quan chức năng kiểm tra và cho phép tái sử dụng để tưới cây, dành nước thủy cục cho sản xuất sản phẩm. |
Giữa năm 2014, Nhà máy bia VBL Đà Nẵng đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng của thành phố vì một số lần bị cúp nước đột ngột do việc thi công nút giao thông ngã ba Huế làm vỡ đường ống cấp nước chính và cúp điện nhà máy nước, làm gián đoạn sản xuất, gây tổn thất. Sau đó, nhà máy kiến nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) bảo đảm cấp nước liên tục và ưu tiên cấp nước để sản xuất.
Đặc biệt, cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Nhà máy bia VBL Đà Nẵng tăng công suất sản xuất bia lên 2,4 triệu hécto-lít (1hécto-lít = 100 lít), đòi hỏi lượng nước thủy cục phải cung cấp từ 49.000-65.000m3/tháng.
Trong hai năm 2015 và 2016, nhà máy tiếp tục thực hiện các công tác chuẩn bị để tăng công suất sản xuất bia lên 3,3 triệu hécto-lít và lượng nước thủy cục cần cung cấp từ 70.000-90.000m3/tháng, trung bình 990.000 triệu m3 nước/năm.
Đại diện nhà máy bia còn cho biết, nhà máy được thiết kế với công suất sản xuất bia 5 triệu hécto-lít và cần được cung cấp nước thủy cục từ 100.000-138.000m3/tháng, ước 1,5 triệu m3 nước/năm.
Để cung cấp nước liên tục và bảo đảm công suất sản xuất bia, năm 2014, DAWACO đã tiến hành điều hòa mạng lưới, ưu tiên cấp đủ nước cho Nhà máy bia VBL Đà Nẵng, dẫn đến thiếu nước ở một số khu vực ở KCN Hòa Khánh.
Trước tình hình này, một số nhà máy đã được UBND thành phố đồng ý cho khoan nước ngầm và sử dụng nước đã qua xử lý đạt chuẩn vào một số công đoạn vệ sinh thiết bị, tưới cây, nhà xưởng… để dành nước thủy cục cho sản xuất
. Đặc biệt, Nhà máy sữa Đà Nẵng được UBND thành phố cho phép tái sử dụng nước thải đã qua xử lý đạt chuẩn A tại nhà máy với công suất 1.200m3/ngày để tưới cây, làm dịu mát khuôn viên nhà máy.
Đồng thời, cấp phép khoan 5 giếng có độ sâu từ 80-82m để khai thác nước ngầm với công suất khai thác 1.200m3/ngày, sử dụng vệ sinh máy, thiết bị. Nhà máy này chỉ sử dụng nguồn nước thủy cục để sản xuất sản phẩm, giảm việc khai thác nguồn nước thủy cục trong bối cảnh nguồn nước này thiếu.
Theo DAWACO, công ty đã đề xuất các phương án nâng cao công suất cho Nhà máy nước Sân bay theo hướng chuyển nước sạch từ Nhà máy nước Cầu Đỏ về Nhà máy nước Sân bay và tăng cường dự trữ nước trên mạng lưới đường ống. DAWACO cũng đã báo cáo UBND thành phố để xin phê duyệt chủ trương và quy mô đầu tư công trình xây dựng bể chứa nước sạch tại Nhà máy nước Sân bay.
Công trình này có quy mô đầu tư 12,76 tỷ đồng gồm xây dựng một bể chứa có dung tích 2.860m3, cải tạo và bổ sung hệ thống ống cấp nước hiện trạng... từ nguồn vốn khấu hao của DAWACO. Bể chứa nước sạch này cần sớm được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động để bảo đảm cung cấp đủ nước cho KCN Hòa Khánh.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP