Bạn đọc
Suất ăn bắt buộc của Bệnh viện Đà Nẵng
Qua “đường dây nóng”, Báo Đà Nẵng nhận được ý kiến bạn đọc phản ánh về suất ăn bắt buộc của Bệnh viện (BV) Đà Nẵng dành cho bệnh nhân khoa Nội-Tim mạch.
Theo đó, các bệnh nhân lưu trú tại đây phải đóng 45.000 đồng một ngày cho 3 bữa ăn sáng, trưa và tối. Nhiều bệnh nhân không hài lòng với các suất ăn nên đã đề nghị cắt suất, thay vào đó là dùng thức ăn tự mua hoặc tự nấu ở nhà nhưng đều không được chấp nhận.
Phóng viên Báo Đà Nẵng đã đến BV Đà Nẵng để xác minh phản ánh của bạn đọc. Lúc 10 giờ 30, tranh thủ khi BV chưa phân phát suất ăn, chúng tôi hỏi thăm một vài bệnh nhân đang lưu trú ở khoa Nội-Tim mạch. Một bệnh nhân ở phòng 311 cho biết, chị nhập viện được 10 ngày. Lúc mới nhập viện, chị được yêu cầu đóng 300.000 đồng tiền ăn một tuần. Với số tiền đó, chị được phân phát các suất ăn sáng (bún, phở, mì, cháo), trưa và tối (cơm cùng thức ăn). Chị tâm sự mỗi suất ăn đều nhiều, đủ no, nhưng không ngon.
Đối với hai buổi cơm trưa và tối, ngoài phần cơm trắng, mỗi người được thêm một phần rau luộc, đậu khuôn luộc, hay cá kho nhạt, canh rau và chút xì dầu. Bệnh nhân này phân trần thức ăn không hợp khẩu vị, ít thịt, chỉ ăn ráng được vài ngày đầu, còn những ngày sau phải nhờ người nhà mang cơm và thức ăn tự nấu. Tuy vậy, vẫn không thể đề nghị bệnh viện cắt suất.
Chỉ vài phút sau, 2 nhân viên của Công ty An Thạnh (công ty được BV Đà Nẵng hợp đồng nấu suất ăn cho bệnh nhân khoa Nội-Tim mạch) đẩy xe đưa các suất ăn trưa đến. Chúng tôi rảo quanh các phòng bệnh trong khoa và dừng lại ở phòng bệnh 305, phòng được phát suất ăn đầu tiên. Hai nhân viên phân phát ghi chép cẩn thận mã số từng suất ăn và đem đến từng giường bệnh. Khi có một bệnh nhân than “ăn như ri làm răng mà ăn”, nhân viên trả lời rằng phải phản ánh lên bác sĩ, chứ họ chỉ phân phát thức ăn thôi.
Sau khi tất cả các suất ăn được đưa đến các giường bệnh, chúng tôi thấy ngoài phần cơm trắng, trong khay có một ít bắp cải luộc, 5 con tôm luộc, một ít xì dầu và 1 quả ớt đỏ. Một bệnh nhân nói: “Bữa mô cũng ăn như ri thì không ăn nổi, không có thịt, mà đồ ăn thì nhạt”. Ông để khay cơm lại, mang hộp cơm mua ở ngoài (cũng giá 15.000 đồng) ra ăn. Chúng tôi nhận thấy trong hộp cơm này có 1 thanh chả giò rán, rau xào, thịt luộc và một miếng thịt cốt lết.
Theo Thông tư số 08/2011/TT-BYT của Bộ Y tế, các bác sĩ sẽ chỉ định chế độ ăn hằng ngày phù hợp với bệnh lý người bệnh nội trú, và người bệnh sẽ được cung cấp suất ăn ngay tại buồng bệnh. Thông tư này đã được áp dụng từ ngày 1-3-2011 và việc phân phát suất ăn chỉ định là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp hạng các BV. Hiện nay, nhiều BV ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện Thông tư 08. Ở BV Đà Nẵng, khoa Nội thận - Nội tiết là khoa đầu tiên áp dụng chế độ ăn theo bệnh lý, và khoa Nội - Tim mạch là khoa thứ hai.
Đầu tháng 4 vừa qua, phóng viên Báo Đà Nẵng cũng đã có một cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Khánh Ngọc, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Đà Nẵng. Bác sĩ Ngọc cho biết bệnh nhân phải “ăn đúng”, phù hợp với từng dạng bệnh lý chứ không phải là “ăn ngon” mà lại không phù hợp, gây cản trở việc chữa các căn bệnh huyết áp, tim mạch… Về vấn đề này, BV Đà Nẵng đã có Văn bản số 703/BVĐN-KHTH gửi các khoa phòng trong BV. Theo đó, các bác sĩ và điều dưỡng sẽ xác định tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân và triển khai chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh tim mạch. Giá chung cho các suất ăn là 45.000 đồng/ngày/3 bữa.
Vậy bệnh nhân có được biết điều này không? Đa số những người bệnh chúng tôi đã hỏi thăm ở khoa Nội –Tim mạch đều cho biết các bác sĩ, điều dưỡng viên đã giải thích về chế độ ăn bệnh lý. Tuy vậy, bệnh nhân ở phòng 311 vẫn cho rằng “bác sĩ chỉ nói vậy thôi, chứ chừng này ăn sao mà khỏe nổi”. Bên cạnh đó, dù bệnh nhân đã biết mỗi cấp độ bệnh cần một chế độ ăn khác nhau, nhưng họ vẫn thoải mái ăn thức ăn tự mua hoặc tự nấu khác hẳn chế độ của BV, thậm chí thoải mái đổi phần ăn cho nhau. Vậy phải chăng việc giải thích, hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn bệnh lý của BV Đà Nẵng vẫn chưa thật sâu sát? Hay bệnh nhân cần phải nâng cao ý thức tự giác chữa bệnh hơn?
KHANG NINH