Bạn đọc

Vấn đề bạn đọc quan tâm

Cảnh báo gia tăng lũ trên sông Hàn và sông Cẩm Lệ

08:13, 11/08/2015 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, việc xây dựng hàng loạt công trình xây dựng trên sông Hàn và sông Cẩm Lệ tác động không nhỏ đến dòng chảy tự nhiên của sông và khả năng thoát lũ. Mực nước lũ dâng lên đáng kể ở đoạn sông từ cầu Tiên Sơn đến cầu Sông Hàn và lưu tốc dòng chảy cũng tăng.

Việc xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng và đô thị lấn ra sát sông làm thu hẹp dòng chảy, giảm khả năng thoát lũ của sông Hàn và sông Cẩm Lệ.
Việc xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng và đô thị lấn ra sát sông làm thu hẹp dòng chảy, giảm khả năng thoát lũ của sông Hàn và sông Cẩm Lệ.

Thông tin này được nhóm tác giả Lương Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Tấn Khoa (cùng Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng) và GS, TS Nguyễn Thế Hùng (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) cho biết trong đề tài nghiên cứu “Áp dụng mô hình thủy lực để tính toán khả năng thoát lũ trên sông Hàn và Cẩm Lệ” vừa được công bố trong tháng 7 vừa qua. Kết quả chạy mô hình trên các phần mềm máy tính cho thấy, chênh lệch mực nước trên sông Hàn và sông Cẩm Lệ hiện trạng khi áp dụng kiểm tra cường độ, mực nước lũ của năm 2007 và 2009 là khá lớn.

Cụ thể, chênh lệch mực nước lũ tại cầu Nguyễn Tri Phương là 59cm và 67cm, cầu Hòa Xuân là 36cm và 45cm, cầu Tiên Sơn là 53cm và 58cm, cầu Rồng là 23cm và 25cm, cầu Sông Hàn là 16cm và 22cm. Lưu tốc dòng chảy của lũ qua cầu Nguyễn Tri Phương tăng thêm 17cm/s và 19cm/s, cầu Hòa Xuân là 19cm/s và 24cm/s, cầu Tiên Sơn là 12cm/s và 16cm/s, cầu Rồng là 20cm/s và 24cm/s, cầu Sông Hàn là 20cm/s và 21cm/s. Dễ dàng thấy rằng, chênh lệch mực nước lũ tại cầu Nguyễn Tri Phương là lớn nhất. Trong khi đó, lưu tốc dòng chảy tại cầu Hòa Xuân và cầu Rồng gia tăng lớn nhất.

Theo nhóm tác giả, đề tài nghiên cứu tuy chưa cập nhật một số thay đổi địa hình mới nhất ở dọc sông nhưng với các trận lũ càng lớn thì ảnh hưởng của các công trình dọc sông Hàn và sông Cẩm Lệ càng được thể hiện rõ ràng hơn, trong đó có khả năng thoát lũ. Với việc xây dựng các công trình dọc sông làm nhiều đoạn dòng chảy bị thu hẹp, đây là một nguyên nhân làm tăng lưu tốc dòng chảy và làm tăng chênh lệch mực nước lũ.

Mực nước lũ dâng lên đáng kể ở đoạn sông từ cầu Sông Hàn đến cầu Tiên Sơn, trong khi sự gia tăng mực nước lũ tại đoạn sông từ cầu Sông Hàn đến cầu Thuận Phước là không thấy rõ... Kết quả đề tài nghiên cứu một lần nữa cảnh báo các ngành chức năng về mực nước lũ gia tăng, tăng lưu tốc dòng chảy mà giảm khả năng thoát lũ trên sông Hàn và sông Cẩm Lệ để sớm có biện pháp ứng phó, giảm thiểu và sớm có giải pháp ứng phó ngập trong đô thị do lũ.

Trong khi đó, theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn quận Cẩm Lệ, trong những năm qua, tốc độ phát triển đô thị lớn, nhiều đô thị mới lấn ra sát sông, nhiều tuyến đường giao thông chắn ngang lũ. Trước đây, lũ về đồng bằng thoát qua hệ thống sông và qua đồng ruộng, làng mạc. Nay lũ về chỉ còn thoát qua sông, nhưng diện tích mặt cắt dòng chảy bị thu hẹp đột ngột làm tăng cao mực nước lũ, mức độ ngập lũ tăng lên, thời gian ngập lũ kéo dài hơn trên phạm vi rộng.

Vì vậy, các ngành chức năng cần quan tâm đúng mức vấn đề này, sớm tiến hành tái quy hoạch các cơ sở hạ tầng và các đô thị đang xây dựng dở dang, các đô thị quy hoạch dọc các sông Cầu Đỏ, sông Cẩm Lệ theo hướng bảo đảm hành lang thoát lũ.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.