Ngày 15-9, Báo Đà Nẵng nhận được Công văn số 3402/SGTVT-GĐ&QLCL của Sở Giao thông vận tải (GTVT) về việc liên quan đến tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên một số tuyến đường (Báo Đà Nẵng số ra ngày 24-6-2015 đăng bài: “Đường lún từ khâu… thiết kế”).
Theo Sở GTVT, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê-tông nhựa (BTN) tại các tuyến đường như bài báo nêu là chính xác. Trong thời gian qua, trên cơ sở có ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT đã có nhiều văn bản yêu cầu các nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án (QLDA), tư vấn thiết kế, giám sát, đơn vị thi công tuân thủ đầy đủ các quy định, trình tự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng mặt đường BTN và hạn chế hằn lún vệt bánh xe. Về một số tuyến đường hư hỏng theo phản ánh của Báo Đà Nẵng, sau khi kiểm tra, Sở GTVT cho biết:
- Đối với quốc lộ 14B, đoạn qua Đà Nẵng (bao gồm đường Cách mạng Tháng Tám), hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xuất hiện ở nhiều đoạn khác nhau với mức độ khác nhau. Sở GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Giao thông nông thôn tổ chức sửa chữa, khắc phục từng đoạn, qua theo dõi đến nay các vị trí này không còn bị hằn lún vệt bánh xe. Đối với các đoạn còn lại, Ban QLDA Giao thông nông thôn sẽ tiếp tục triển khai sửa chữa theo kế hoạch vốn Tổng cục Đường bộ Việt Nam phân bổ năm 2015 và 2016.
- Đối với đường dẫn cầu Nguyễn Tri Phương, vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Mặt trời đã tiến hành sửa chữa đoạn đường này (chưa khắc phục trên mặt cầu). Ngày 26-8-2015, Sở GTVT đã có Văn bản số 3283/SGTVT-QLGTĐT gửi Công ty CP Tập đoàn Mặt trời yêu cầu sớm triển khai xử lý các hư hỏng mặt đường trên cầu cũng như đường dẫn phía Bắc để bảo đảm an toàn giao thông.
- Các hư hỏng mặt đường dạng hằn lún vệt bánh xe trên tuyến quốc lộ 1A (đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước) và đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan đang được các đơn vị chủ quản tiến hành sửa chữa.
Về nhận định nguyên nhân gây ra hằn lún vệt bánh xe chính từ khâu thiết kế, Sở GTVT nhận thấy chưa đủ căn cứ vì cùng với một giải pháp kết cấu, chỉ có một số đoạn bị hằn lún vệt bánh xe. Một số thông số kỹ thuật liên quan đến tải trọng tính toán kết cấu áo đường được đưa ra chưa chính xác, cụ thể:
- Trong tiêu chuẩn TCVN 4054-05 và 22TCN211-062 không khống chế tải trọng cũng như trục xe khai thác, đồng thời cũng có hướng dẫn cách xác định tải trọng trục tính toán của xe nặng (hoặc rơ-mooc) có nhiều trục. Số liệu 10T (100kN), 12T (120kN) là tải trọng trục tính toán tiêu chuẩn, làm cơ sở cho việc tính toán quy đổi các tải trọng trục khai thác khác nhau.
- Hiện nay, không có quy định nào khống chế khoảng cách giữa hai trục ít nhất là 4,0m. Theo QCVN 09:2011/BGTVT, khoảng cách này thậm chí nhỏ hơn 1,0m (trường hợp trục kép). Tiêu chuẩn 22TCN 211-06 cũng có hướng dẫn tính toán quy đổi trong trường hợp khoảng cách giữa các trục xe ≥ 3m và <3m.
- Đối với các nội dung liên quan đến chất lượng thi công công trình không bảo đảm, Sở GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các Ban QLDA các công trình hạ tầng giao thông thực hiện nghiêm túc các văn bản của Bộ GTVT cũng như của Sở GTVT đã ban hành liên quan đến công tác giám sát, quản lý chất lượng thiết kế, thi công bê-tông nhựa; đồng thời tổ chức kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm.
PHÒNG BẠN ĐỌC