.
Qua đơn - thư bạn đọc

Chuyển đổi mô hình bán công năng khiếu sang Trường tiểu học Lý Tự Trọng: Không theo lộ trình?

.

Báo Đà Nẵng nhận được đơn kiến nghị của phụ huynh (PHHS) phản ánh việc chuyển đổi mô hình Trường Bán công năng khiếu Đà Nẵng (BCNK) sang Trường tiểu học (TH) Lý Tự Trọng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) không có lộ trình; quá trình công bố chậm, gây bất ngờ cho phụ huynh; tuyển sinh trái tuyến…

Cơ sở hạ tầng của Nhà Thiếu nhi xuống cấp.
Cơ sở hạ tầng của Nhà Thiếu nhi xuống cấp.

Theo đơn kiến nghị, mô hình BCNK giúp học sinh vừa học tốt văn hóa, vừa được đào tạo năng khiếu chuyên sâu. Sau khi chuyển đổi, mô hình cũ không những bị phá vỡ mà còn gây khó khăn, bất tiện cho phụ huynh trong quá trình bố trí thời gian đưa, đón con đi học. Bên cạnh đó, học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 cũng gặp khó khăn trong việc tiếp nhận mô hình mới.

Đơn kiến nghị cho biết, hiện cơ sở hạ tầng Nhà Thiếu nhi (Trường TH Lý Tự Trọng mới) bị xuống cấp. Cơ quan chức năng không kiểm tra, giám định chất lượng cơ sở hạ tầng để bảo đảm điều kiện học tập của học sinh, nhất là việc tuyển sinh trái tuyến gây quá tải.

Ông Nguyễn Lương Vọng, đại diện phụ huynh, cho biết: “Nhà tôi ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Sau khi con thi đỗ vào Trường BCNK và có quá trình theo học ở đây, tôi nhận thấy con mình phát triển tốt, toàn diện, đồng thời có điều kiện phát triển tốt môn năng khiếu chuyên sâu. Nay bỗng chuyển đổi đột ngột, không chỉ chúng tôi lúng túng mà chính các cháu cũng bị hụt hẫng. Mong muốn của phụ huynh là quá trình chuyển đổi có thể làm từng bước, từng giai đoạn với lộ trình cụ thể để các cháu thích nghi dần dần”.

Theo ông Vọng, do việc công bố thành lập trường mới quá gấp (ngày 18-8), trong khi lịch sắp xếp lớp chỉ một ngày sau đó (19-8) nên phụ huynh trở tay không kịp.

Phóng viên đã làm việc với Phòng GD&ĐT quận Hải Châu, được biết, ngày 10-4-2015, UBND quận Hải Châu ra Quyết định số 1214/QĐ-UBND thành lập Trường TH Lý Tự Trọng (Trường BCNK sau khi chuyển đổi), hoạt động theo hệ công lập từ năm học 2015-2016. UBND quận Hải Châu cũng đã báo cáo UBND thành phố, Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT về 2 đề án: “Đề án chuyển đổi loại hình trường từ bán công sang công lập” và “Đề án tổ chức hoạt động của trường TH Lý Tự Trọng”.

Tháng 6-2015, Sở Nội vụ, UBND quận Hải Châu làm việc với Bộ Nội vụ về chỉ tiêu nhân sự của nhà trường và được phê duyệt. Ngày 1-8-2015, UBND quận bổ nhiệm bà Phan Thị Tuyết Lan làm Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng. Ngày 18-8-2015, Ban giám hiệu Trường TH Lý Tự Trọng tổ chức họp phụ huynh.

Đối với yêu cầu của phụ huynh về việc cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 tiếp tục học theo mô hình cũ (4 tiết năng khiếu chuyên sâu), Phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết, việc triển khai dạy học ở Trường TH Lý Tự Trọng thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT. Đối với môn năng khiếu chuyên sâu, Phòng GD&ĐT đã thống nhất cùng Nhà Thiếu nhi bố trí cho học sinh học theo nhu cầu tự nguyện, do Nhà Thiếu nhi chịu trách nhiệm về chuyên môn và thu học phí theo thỏa thuận giữa phụ huynh và Nhà Thiếu nhi, tổ chức học vào tiết cuối mỗi ngày (ngoài 7 tiết/ngày theo quy định) và các ngày thứ bảy, chủ nhật.

Về cơ sở vật chất nhà trường, sau khi có phản ánh của phụ huynh, đoàn kiểm tra liên ngành đã khảo sát, thẩm định. Qua khảo sát, đồng ý cho nhà trường tổ chức dạy và học trong năm học 2015-2016; đã tiến hành sửa chữa một số hạng mục và mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy.

Việc tuyển sinh mới Trường TH Lý Tự Trọng, theo văn bản trả lời của Phòng GD&ĐT Hải Châu, trong số 154 học sinh mới (lớp 1) có 60 học sinh trong địa bàn phường Thạch Thang (đúng tuyến); 48 học sinh được Phòng GD&ĐT điều tiết từ 3 trường Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ, Phù Đổng; 12 học sinh là con cháu của cán hộ, giáo viên, nhân viên Trường BCNK; 19 học sinh là con cháu của cán bộ Thành Đoàn; 15 học sinh là con cháu của cán bộ công chức Trung tâm Hành chính thành phố và quận…

Trường Bán công năng khiếu Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định 78/QĐ-GDĐT do Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ký ngày 11-6-1992 theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của thành phố. Bên cạnh việc đào tạo văn hóa theo quy định chung, đây còn là nơi đào tạo các bộ môn năng khiếu thẩm mỹ, nghệ thuật, thể dục thể thao, ngoại ngữ, tin học, các kỹ năng sống; là nơi thể nghiệm các mô hình hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong để triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố; là cơ sở để thành lập các đội, nhóm chuyên về nghi thức, trống kèn, văn nghệ... phục vụ công tác Đoàn, Đội của thành phố.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.