Bạn đọc

Qua đơn - thư bạn đọc

Đền bù Dự án đường ĐH8: Dân phản ánh đền bù chưa thỏa đáng

08:00, 21/09/2015 (GMT+7)

Báo Đà Nẵng nhận được đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Câu (ở thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) phản ánh: Hiện gia đình bà không thỏa mãn giá trị đền bù do Ban giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng Đà Nẵng (gọi tắt là Ban đền bù) thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất - Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐH8 chi trả đối với cây cầu bê-tông của gia đình bà.

Theo đó, cây cầu bê-tông nói trên được đền bù 4.181.190 đồng, tương đương hơn 1,5 khối bê-tông. Bà Câu không đồng ý vì cho rằng, giá trị đền bù quá thấp so với giá trị thực của cây cầu.

Cây cầu nhà bà Nguyễn Thị Câu dài 10,5m chứ không phải 4,5m như xác nhận ban đầu của ông Nguyễn Nhu.
Cây cầu nhà bà Nguyễn Thị Câu dài 10,5m chứ không phải 4,5m như xác nhận ban đầu của ông Nguyễn Nhu.

Theo đơn trình bày của bà Câu, cây cầu bê-tông của gia đình bà được đầu tư làm từ đầu những năm 1990 có giá trị 6 triệu đồng. Trải qua gần 30 năm, cây cầu vẫn bảo đảm kết cấu chất lượng để người và phương tiện giao thông (xe gắn máy, xe đạp) qua lại an toàn. Sau khi dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐH8 được thực hiện, đường được mở rộng, đã “lấn” vào cây cầu hơn 1m.

“Theo đo đạc ban đầu, đơn vị thi công sẽ lấn vào cầu khoảng hơn 2m, nhưng sau đó nghe thông báo lại chỉ cắt khoảng hơn 1m, nghĩa là phần mố cầu và 1m dài phần cầu từ phía đường lớn vào sẽ bị cắt bỏ. Ban đền bù cho biết sẽ đền bù theo quy định, lấn bao nhiêu thì đền bù bấy nhiêu. Như thế, nhà tôi không đồng ý, vì trụ, mố cầu đã bị cắt, làm mất tính kết cấu bền vững của cả cây cầu, dẫn tới thiếu an toàn, thay đổi giá trị toàn bộ cây cầu. Đơn vị thi công nói rằng, sẽ hỗ trợ phun bê-tông tươi vào phần dưới lòng cầu đoạn kế tiếp (sau phần đã cắt) để gia cố, chúng tôi cũng không đồng ý, vì đó chỉ là giải pháp tạm thời, mai kia cầu hư hỏng, ai chịu trách nhiệm cho gia đình tôi. Hoặc Ban đền bù tính toán lại việc đền bù cho thỏa đáng, hoặc làm lại cầu mới. Còn phía UBND xã Hòa Khương, với tư cách là địa phương vận động, không nên dọa cưỡng chế nhà tôi”, bà Câu cho biết.

Qua xác minh, chúng tôi cũng được biết, nhà bà Câu còn có hơn 150m2 đất khai hoang từ năm 1980 nhưng do không bảo đảm thủ tục pháp lý nên không được hỗ trợ đền bù. Bà Câu chấp nhận hiến đất. Ngoài ra, bà còn thắc mắc rằng, sổ đỏ thửa đất số hồ sơ 285 đứng tên bà nhưng Ban đền bù lại chi trả tiền cho người khác (?).

Ngày 10-9 vừa qua, phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Nhu, Phó Trưởng ban Ban giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng Đà Nẵng thì được biết khi tính giá trị đền bù trong hồ sơ 321BS1 đã tính hết toàn bộ giá trị cây cầu với tổng chiều dài 4,5m, ngang 1,7m, dày 0,15m.

Ông Nhu khẳng định không đập mố cầu mà giữ nguyên, chỉ cắt một phần đường dẫn lên cầu phía giáp đường ĐH8 để làm đường (?!). Cũng theo ông Nhu, Ban đền bù và đơn vị thi công sẽ hỗ trợ thêm cho gia đình bà Câu để gia cố cũng như bảo đảm việc thông cầu từ nhà ra đường lớn.

Tuy nhiên, sau khi phóng viên xác minh lại chiều dài thực tế của cây cầu gia đình bà Câu là 10,5m, thì ông Nhu ghi nhận, nói rằng sẽ cho kiểm tra lại. Sau đó, ông thừa nhận chiều dài cây cầu là 10,5m, nhưng vẫn giữ quan điểm chỉ đền bù theo hồ sơ thiết lập ban đầu là dài 4,5m, ngang 1,7m, dày 0,15m. Phía gia đình bà Câu khẳng định, nếu cắt 1m dài từ phía giáp đường, đồng nghĩa sẽ múc luôn mố cầu và phần móng cầu.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, như vậy sẽ làm ảnh hưởng toàn bộ kết cấu cầu bê-tông cốt thép nhà bà Câu, ông Nhu cho rằng, việc đền bù này được áp dụng theo bước khung đền bù giống như nhà bê-tông cốt thép (dầm bê-tông kế tiếp). Như vậy, theo cách tính này, từ phần ảnh hưởng dầm bê-tông (bước khung) ban đầu (dầm bê-tông phía đường ĐH8 bị cắt) đến dầm bê-tông kế tiếp của cây cầu sẽ là… mố cầu bên kia (phía dẫn vào nhà). Theo cách áp giá của Ban đền bù như hiện nay liệu đã thỏa đáng, chưa kể trong cách lý giải của ông Nhu thể hiện “tiền hậu bất nhất”.

Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho biết đối với hồ sơ 285 của bà Câu, xã sẽ phối hợp với ban đền bù để xác minh lại, chi trả đúng đối tượng. Việc chi trả ban đầu có thể do quá trình quy chủ sai.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐH8 khởi điểm từ quốc lộ 14B đi hồ Đồng Nghệ có tổng chiều dài trên 6 km, lòng đường rộng 7,5m, vỉa mỗi bên rộng 1m, vận tốc thiết kế 60km/giờ; có đầy đủ hệ thống cấp, thoát nước, gia cố taluy, tổ chức giao thông, cấp điện, điện chiếu sáng. Tổng mức đầu tư công trình trên 67 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2014-2016.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

.