Bạn đọc
Xử lý hàng quán dưới gầm cầu vượt ngã ba Huế
Khu vực ngã ba Huế trước đây là “điểm nóng” về trật tự đô thị (TTĐT), trật tự giao thông (TTGT). Từ khi khánh thành cầu vượt ngã ba Huế, UBND thành phố đã tăng cường chỉ đạo quản lý, kiên quyết không cho phép bán hàng rong, hàng quán bày bán dưới gầm cầu… Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Buổi tối, các quán giải khát trên đường Tôn Đức Thắng bày bàn ghế ra khu vực gầm cầu cho khách ngồi, xe máy để ngay dưới lòng đường. |
Nhộn nhịp… dưới gầm cầu
Một người dân bán nước giải khát trên đường Tôn Đức Thắng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết, tận dụng khoảng không gian dưới gầm cầu vừa đẹp, vừa mát mẻ, một số hộ dân trên đường Tôn Đức Thắng kê bàn ghế cho khách ngồi. Vào những ngày thời tiết nắng nóng, khách đông đến mức không kịp phục vụ. Nắm được thời gian tuần tra của đội Quy tắc đô thị (QTĐT) quận, các hộ này chọn bày bán vào những thời điểm như sáng sớm, trưa hoặc chiều tối để “lách”.
Khoảng 19 giờ một ngày đầu tháng 11, dưới gầm cầu vượt ngã ba Huế tại vị trí giáp với đường Tôn Đức Thắng, có thể quan sát được hàng dãy bàn ghế của ít nhất 3 quán bán sinh tố, cà-phê, nước mía… Các quán này đều nằm trên vỉa hè đường Tôn Đức Thắng. Khi có khách, chủ quán chỉ khách sang bên kia đường, ngồi ngay dưới gầm cầu “cho mát”. Xe máy của khách cũng được “hướng dẫn” để ngay trên lòng đường với lời trấn an “không sợ gì đâu, người ta vẫn để kia kìa.”
Càng về tối muộn, lượng khách đến… gầm cầu càng đông, ước tính mỗi quán có trên dưới 20 người. Không chỉ ngồi dưới gầm cầu hóng mát, uống nước, một số vị khách còn tổ chức chơi bài ngay tại đó. Khách tăng đồng nghĩa với việc lượng xe tập trung đỗ dưới gầm cầu cũng tăng theo.
Trao đổi với một hộ dân bán cà-phê ở khu vực này, được biết, các hàng quán này đều có mặt bằng buôn bán cố định ở đường Tôn Đức Thắng. Tuy vậy, vào những ngày hè nóng bức vừa qua, họ đem bàn ghế ra bày dưới gầm cầu cho mát, thu hút được không chỉ khách địa phương mà cả khách ngoài tỉnh đến tham quan cầu vượt. Cứ vậy thành thói quen, cứ đến sáng sớm hoặc chiều tối, khu vực này lại nhộn nhịp xe cộ.
Cần kiên quyết xử lý
Cầu vượt ngã ba Huế ở trên địa bàn của 3 quận Thanh Khê (phường An Khê và Thanh Khê Tây), Cẩm Lệ (phường Hòa An) và Liên Chiểu (phường Hòa Minh). Do đó, việc xử lý các vi phạm trật tự đô thị không chỉ giới hạn trong địa bàn của mỗi quận, mà còn có sự phối hợp giữa lực lượng của cả 3 địa phương.
Ông Trần Tấn Lực, Đội trưởng Đội QTĐT quận Thanh Khê cho biết, sau khi khánh thành cầu vượt (tháng 4-2015), UBND quận Thanh Khê đã thành lập tổ công tác phối hợp giữa công an, đội QTĐT quận và lực lượng chức năng 2 phường An Khê và Thanh Khê Tây kiểm tra, đẩy đuổi, nhắc nhở xử lý các hành vi vi phạm TTGT, TTĐT. Theo ông Lực, cần xử lý kiên quyết, nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu, là người này bán được kéo theo người khác bán theo khiến cho khu vực này lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ tệ nạn xã hội.
Ông Lực, ông Phùng Thanh Hoàng, Đội phó Đội QTĐT quận Cẩm Lệ cho biết, UBND quận Cẩm Lệ đã sớm xác định khu vực cầu vượt ngã ba Huế có thể trở thành một “điểm nóng” nếu không kiên quyết xử lý các vi phạm TTĐT ngay từ đầu. Đối với những người bán hàng rong ở khu vực này, Đội QTĐT phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận tìm phương án chuyển đổi ngành nghề, nhằm xử lý phần gốc chứ không chỉ phần ngọn. Ông Hoàng cho biết, trước đây địa bàn phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) có khoảng 3-4 hộ kinh doanh nước giải khát dưới chân cầu vượt. Các hộ này được chính quyền vận động không tái phạm; đồng thời bố trí lực lượng QTĐT quận quản lý ở khu vực này và bố trí 2 đội viên thường trực của phường Hòa An theo dõi.
Riêng phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, cho biết phường cũng có một số hộ kinh doanh buôn bán dưới gầm cầu vượt, chủ yếu sau 18 giờ mỗi ngày. Theo ông Nhân, phường Hòa Minh chỉ có 6 cán bộ QTĐT phường, phối hợp với 4 cán bộ tăng cường từ đội QTĐT quận Liên Chiểu để đảm bảo TTĐT tại đây. Ông cho biết, ngay sau khi Báo Đà Nẵng thông tin, UBND phường Hòa Minh mời những hộ dân trên lên vận động cam kết không buôn bán dưới gầm cầu vượt.
Bài và ảnh: KHANG NINH