.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Cồn Mong... nổi như cồn

.

Trở lại thôn Cồn Mong xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang những ngày cuối năm, người dân trong thôn vẫn còn dư âm niềm vui từ “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” (18-11) được tổ chức vào ngày 13-11 có đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy và đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố về tham dự, chung vui bữa cơm thân mật.

“Đó là niềm vui, niềm vinh dự, tự hào không chỉ riêng thôn Cồn Mong, mà cả xã Hòa Phước, cả huyện Hòa Vang. Đó cũng là sự ghi nhận xứng đáng với thành quả mà toàn thôn đã cố gắng thực hiện xây dựng đời sống người dân ngày một phát triển, đồng thời là thử thách cho việc duy trì thành quả ấy trong suốt thời gian đến”, ông Nguyễn Hoàng Phương, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn (BCTMTT) Cồn Mong bày tỏ.

Thành quả của thôn Cồn Mong đã tạo tiếng vang vượt ra khỏi “lũy tre làng”, không dừng lại ở huyện mà đến tận thành phố.

Với rất nhiều mô hình điển hình trong công tác xây dựng đời sống trong khu dân cư (KDC) thôn làm được, áp dụng và đạt kết quả, những danh hiệu nhận được không phải là điều khó hiểu.

Với 7 mô hình điển hình, từ “thôn không rác”, “thôn không có quảng cáo rao vặt” làm mất mỹ quan đô thị, “không rải vàng mã trong KDC, trên đường đưa tang”, trong đám tang “không hạt dưa, kèn trống, bia rượu”... đều thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả suốt nhiều năm liền, đã đưa đời sống văn hóa, tinh thần người dân Cồn Mong ngày càng tiến bộ.

Ngoài sự lãnh đạo của các đoàn thể khác, có lẽ hình ảnh vị Trưởng BCTMTT đậm nét hơn cả. Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, trước đây từng làm trưởng thôn 7 năm, từng đưa Cồn Mong trở thành thôn có điện chiếu sáng đầu tiên trong toàn huyện.

Sau khi bị bệnh, ông nghỉ công tác, nhưng khỏe lại một chút, người dân trong thôn lại “buộc” ông quay lại làm việc BCTMTT cho đến nay. Bà Đặng, ngoài 70 tuổi, gặp bên đường khi tôi và ông Phương đang trao đổi, nói xen ngang: “Ông ấy (Phương) làm “dở” quá, nên dân cứ bắt ông ấy làm miết, đến khi hết sức thì thôi. Lần ông ấy đi chữa bệnh ở miền Nam đến 5-6 tháng, người dân vẫn mong ông khỏe, chờ ông ấy về mới tổ chức bầu cử, “nhường” ông ấy làm, không ai thay thế được”.

Năm 2015, Cồn Mong là một trong những thôn tiêu biểu, có nhiều mô hình điển hình nhất của huyện Hòa Vang.

Năm 2015, thôn đã làm được gần 500 mét đường giao thông kiệt hẻm; phấn đấu đến cuối năm sẽ xóa hẳn 2 hộ nghèo còn lại (theo tiêu chí cũ). Sắp tới, trong mô hình đội trợ tang KDC, sẽ triển khai “đám tang 4 không”: không thuốc lá, hạt dưa; không kèn trống, rượu bia; không rải vàng mã trong KDC, dọc đường đưa tang; không để quá 3 ngày để việc thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” theo Chỉ thị 43 của Thành ủy, đưa chỉ thị thực sự đi sâu, đi sát vào đời sống nhân dân.

Trong thành quả chung của toàn thôn, tôi hỏi ông Nguyễn Hoàng Phương có bí quyết gì? Ông cười, kể câu chuyện từng giải quyết nhiều vụ mâu thuẫn trong gia đình của người dân trong thôn, với 2 chuyện khiến ông tâm đắc, nhớ nhất.

“Lần nọ, hộ ông T.V.T có nhận được 90 triệu đồng tiền đền bù giải tỏa đợt 1. Do vợ ông mất, ổng theo bà mới và ôm tiền đi luôn. Đến nhận tiền đợt 2, 5 người con của ông khởi 5 lá đơn, định gửi đến các cơ quan chức năng đòi quyền lợi. Biết chuyện, tôi đã đích thân gặp và khuyên giải các con ông T., đồng thời nói chuyện phải trái với ông ấy. Vốn là hộ nghèo, ban điều hành thôn rất quan tâm, nên khi thuyết phục, ông và các con đồng ý theo phương án “đôi bên cùng có lợi”. Sau đó, cha con sống đoàn tụ, vui vẻ”.

Chuyện thứ 2 ông kể, nhà nọ có 6 người con, 5 gái 1 trai. Khi người cha mất, đã xảy ra mâu thuẫn giữa người con trai và 5 chàng rể khi tang gia còn bối rối. Những khuyên giải chí lý, tận tình và với cái “uy” của người trưởng ban trợ tang, ông hòa giải thành công, đến nay 6 anh chị em sống hòa thuận.

Với sự ghi nhận, quan tâm thiết thực từ những vị lãnh đạo cao nhất của thành phố đối với thôn Cồn Mong, có lẽ câu nói vui của người dân rằng “Cồn Mong... nổi như cồn”.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.