Các cơ sở kinh doanh, buôn bán phế liệu ở giữa khu dân cư được xem là những “ổ” dễ gây cháy, nổ và người dân không khỏi e ngại các cơ sở này thu mua, xử lý vật liệu nổ. Trước tình hình này, quận Hải Châu có chủ trương chấm dứt hoạt động, chuyển đổi ngành nghề hoặc buộc di dời hơn 50 cơ sở kinh doanh phế liệu giữa phố.
Cơ sở buôn bán phế liệu ở số 28A Đống Đa vừa được đoàn kiểm tra đánh giá không bảo đảm điều kiện, dễ xảy ra cháy, nổ. |
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu, vào ngày 5-5-2016, UBND thành phố có Công văn số 3160/UBND-QLĐT yêu cầu các địa phương kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ của các cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư. Thực hiện công văn này, giữa tháng 5-2016, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh chỉ đạo UBND 13 phường yêu cầu các hộ buôn bán, kinh doanh phế liệu, hàn xì dễ gây cháy, nổ nhưng không có giấy phép kinh doanh phải chấm dứt hoạt động trước ngày 15-6-2016. Đồng thời, mời các hộ kinh doanh buôn bán lên làm việc và yêu cầu ký cam kết không thu mua vật liệu cháy, nổ.
Cạnh đó, tiến hành họp tổ dân phố tuyên truyền, vận động các hộ di dời cơ sở kinh doanh ra khỏi địa bàn. Chủ tịch UBND quận cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội quận hỗ trợ các hộ kinh doanh, buôn bán phế liệu, hàn xì có đủ điều kiện vay được vay vốn để chuyển đổi ngành nghề. Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận làm trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về môi trường tại các cơ sở kinh doanh, mua bán phế liệu, hàn xì dễ xảy ra cháy, nổ.
Bà Trần Thị Cẩm Nhiên, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu cho biết, qua kiểm tra rà soát, trên địa bàn quận có 60 cơ sở kinh doanh, buôn bán phế liệu, trong đó có 50 cơ sở không có giấy phép kinh doanh và 10 cơ sở có đăng ký kinh doanh. “Cơ sở không có giấy phép kinh doanh buộc phải ngừng hoạt động, chúng tôi chỉ tiến hành kiểm tra 10 cơ sở có đăng ký kinh doanh.
Nhưng trước mắt, cả 60 cơ sở đều phải ký cam kết và thực hiện ngay các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng và chống cháy, nổ (PCCN) tại nơi kinh doanh và trong khu vực dân cư. Đặc biệt, không mua bán những vật liệu không rõ nguồn gốc và nghi ngờ là vật liệu nổ, đồng thời báo ngay cho Công an phường. Cạnh đó, không mua bán, trao đổi những hóa chất độc hại, những chất nằm trong danh mục chất thải nguy hại”, bà Nhiên cho biết.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công an quận Hải Châu, trong 60 cơ sở kinh doanh, buôn bán phế liệu trên địa bàn quận, có 1 cơ sở từng xảy ra cháy vào tháng 7-2008 do chập điện; 20 cơ sở dễ xảy ra cháy, nổ; 1 cơ sở có 1 bình khí ôxy và 1 bình khí CO2, dễ gây cháy, nổ khi sử dụng; 32 cơ sở ít có nguy cơ xảy ra cháy, nổ; 5 cơ sở bảo đảm tốt công tác PCCN và ít có nguy cơ xảy ra cháy, nổ; 1 cơ sở lưu động.
Mới đây, qua kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành đối với 10 cơ sở có đăng ký kinh doanh, nhiều cơ sở đã trang bị bình chữa cháy nhưng không bảo đảm theo quy định, để ở vị trí khó lấy; khoảng cách an toàn giữa hệ thống điện và khu vực chứa hàng chưa bảo đảm, rất dễ xảy ra cháy do chập điện; người lao động chưa được tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy; hầu hết cơ sở đều không có lối thoát nạn... Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh ý thức hơn về công tác bảo vệ môi trường, PCCN và yêu cầu chủ cơ sở phải thực hiện ngay việc bổ sung những gì còn thiếu.
“Đối với 50 cơ sở kinh doanh, buôn bán phế liệu không có đăng ký kinh doanh, các phường đang tiến hành vận động chủ cơ sở chấm dứt hoạt động, di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề. Còn với 10 cơ sở có đăng ký kinh doanh, dựa trên kết quả kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ đề xuất từng trường hợp cụ thể, nhất là đối với các cơ sở không bảo đảm được điều kiện vệ sinh môi trường và PCCN thì đề xuất dừng hoạt động ngay, buộc di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề, không thể để những cơ sở dễ xảy ra cháy, nổ như vậy tồn tại giữa trung tâm thành phố”, bà Nhiên nói.
HOÀNG HIỆP