Bạn đọc
Ở tổ dân phố trên 300 hộ
Là vùng giáp ranh, tình hình an ninh trật tự ở tổ dân phố (TDP) 62 phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) vốn đã phức tạp nên việc có đến trên 300 hộ với 1.500 nhân khẩu sinh hoạt trong một TDP càng khiến công tác quản lý trở nên khó khăn bội phần.
Ông Huỳnh Văn Giác, Bí thư Chi bộ khu dân cư 9B, phường Hòa Hải cho biết, TDP 62 trước đây cũng có số hộ trung bình trên dưới 30 hộ như những TDP khác. Công tác quản lý mọi mặt diễn ra bình thường, ít có biến động lớn. Nhưng từ năm 2014 đến nay, số hộ trong tổ tăng đột biến, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 10 hộ. Trong thời gian tới, số hộ có thể sẽ tiếp tục tăng bởi đất trống trong TDP này vẫn còn nhiều và nhiều người từ các nơi đang tiếp tục mua đất ở đây để làm nhà ở.
“Đa số hộ dân di dời về đây sinh sống thuộc dự án FPT giải tỏa. Số hộ tập trung nhanh đến mức vượt tầm kiểm soát của địa phương. Một mình tổ trưởng TDP không thể quản lý nổi, phải nhờ đến cán bộ cơ sở của Chi bộ, Mặt trận và các đoàn thể hỗ trợ. Nhiều hộ dân về đây sinh sống, không báo lên TDP, ông tổ trưởng và cán bộ Mặt trận, chi bộ cũng không thể biết họ đến hay đi”, ông Giác cho hay.
Theo ông Giác, có nhiều bất cập nảy sinh trong công tác quản lý. Ví như chuyện hộ nghèo, các hộ khi chuyển đến phải chủ động gặp tổ trưởng TDP để đăng ký rồi mới có hướng xét duyệt sơ bộ. Nếu chủ hộ không thông báo, tổ trưởng rất khó cập nhật kịp thời. Theo đề án chia tách TDP của thành phố, quy định mỗi tổ không quá 40 hộ. Riêng ở TDP 62 là một ngoại lệ về số hộ nhưng vẫn giữ “đúng quy định” về chế độ một tổ trưởng với số tiền trợ cấp không quá 600.000 đồng/tháng. Và thực trạng này kéo dài suốt 3 năm qua chưa thấy chuyển biến.
Ông Huỳnh Phước Đến, Tổ trưởng TDP 62 cho biết, con số chính xác đến thời điểm hiện tại, toàn tổ có 215 hộ có hộ khẩu và 100 hộ tạm trú. Ông Đến nêu vài ví dụ vui, nếu cứ một tháng họp TDP một lần, ông sẽ phải đến nhà trên 300 hộ để thông báo (chưa kể nhiều hộ đến một lần chưa chắc gặp), thì tiền trợ cấp theo quy định không đủ đổ xăng và điện thoại cho ông sử dụng vào “công tác phí”. Ngoài ra, cứ mỗi tháng có 2-3 đám ma chay, cưới hỏi, coi như tiền trợ cấp của tổ trưởng... xong. Việc sinh hoạt ở tổ cũng gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn, những lúc họp TDP, chỉ cần 2/3 số hộ tham dự thì phải thuê địa điểm ở trường học (có nhà sinh hoạt khu dân cư nhưng số hộ quá đông nên bị quá tải) mới đủ chỗ ngồi, rồi chuyện nước nôi sinh hoạt...
Ông Đến tâm sự: “Bình thường thì thôi, nhưng những lúc tôi đau ốm hay quá bận việc gia đình, công tác tổ trưởng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; trong khi chẳng thể đẩy trách nhiệm cho ai, cán bộ cơ sở từ Mặt trận, chi bộ, hội đoàn thể có giúp đỡ, nhưng đâu phải lúc nào cũng có thể chia sẻ hết việc”.
Một vấn đề đáng báo động đó là tình hình ANTT ở TDP luôn diễn biến phức tạp. Theo ông Đến, trộm cắp, các tệ nạn xã hội luôn có nguy cơ bùng phát. Tình trạng người dân ăn nhậu, say xỉn rồi gây lộn, đánh nhau xảy ra thường xuyên nhưng đến tai tổ trưởng thì đã... nguội. “Đông quá, một mình tôi quản không nổi, dù cố gắng lắm. Tách tổ sớm cho dân an tâm, yên ổn cuộc sống. Theo quy định, tổ của tôi bây giờ tách được 8-9 tổ”, ông Đến tha thiết.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết đã nhận được kiến nghị của Chi bộ 9B và TDP 62. Phường cũng có đề án chia tách tổ cụ thể gửi trình Sở Nội vụ và HĐND thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. “Chúng tôi mong muốn sớm tách tổ khu vực nói trên để thuận lợi trong công tác quản lý”, ông Hiền nói.
TRỌNG HUY