Bạn đọc

Chuyện tổ, chuyện thôn

Từ trưởng thôn lên tổ trưởng dân phố

08:48, 14/09/2016 (GMT+7)

Trước năm 1997, khi vườn nhà ông Đinh Ân còn là một phần của làng quê xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang, ông làm Trưởng thôn. Khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, quận Liên Chiểu ra đời và xã Hòa Khánh “lên” phường, ông làm Khối trưởng, nay là Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) số 1, khu vực Chơn Tâm 1B5, phường Hòa Khánh Nam.

Ông Đinh Ân (phải) chia sẻ kỷ niệm xưa với cán bộ theo dõi công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Ông Đinh Ân (phải) chia sẻ kỷ niệm xưa với cán bộ theo dõi công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư trên địa bàn quận Liên Chiểu.

63 tuổi, hơn 20 năm “vác tù và” hàng… TDP, ông Ân lưu giữ trong ký ức biết bao kỷ niệm buồn, vui. Trước năm 1997 đáng nhớ đó, mỗi khi vác cái cuốc xuống ruộng làm lê-ghim, ông thường nói với vợ, đất đai nhà mình rộng mà đường đi trầy lên trật xuống thì sướng ích chi. Từ nhà ông đi chợ Hòa Khánh cũ – lúc đó còn ở bên này đường Tôn Đức Thắng chứ chưa chuyển qua bên kia đường như hiện nay – chưa tới nửa cây số mà quanh co qua đường ruộng trơn trượt, có nơi rộng chỉ một sải tay. Vợ chồng ông gánh đồ lê-ghim trồng được trong vườn, đi lên chợ mà mỗi khi trở vai là muốn rơi xuống ruộng.

Nhà ông giờ trên đường Mộc Bài 1, trong khu đất vườn nhà ông ngày trước, khi còn là xã Hòa Khánh. Qua từng ấy năm làm Tổ trưởng TDP, ông đã cùng bà con trong khu vực chứng kiến biết bao đổi thay của phường, của quận.

Cuối năm 2012 – ông kể, thành phố lập dự án xây dựng khu thể thao có diện tích khoảng trên 1ha, từ Ký túc xá Sinh viên DMC-579 Đà Nẵng (nay là Ký túc xá Sinh viên phía tây thành phố) đến đường Nguyễn Sinh Sắc. Trong khu vực này có đến 322 ngôi mộ lớn nhỏ, cả mộ đất lẫn mộ xây; trong đó có 286 mộ của hai họ tộc Đinh và Đỗ, 36 mộ vô chủ. Gần Tết Quý Tỵ 2013, bà con nghe cán bộ về thông báo kế hoạch di dời toàn bộ mộ để có mặt bằng triển khai dự án xây dựng công trình công cộng. Các họ tộc, xuất phát từ chuyện tâm linh, chưa thể di dời mộ ngay được, vì coi chưa “được ngày”, đề nghị để thong thả ra Giêng hẵng hay.

Thành phố mong muốn dự án sớm triển khai kịp tiến độ. Thế nhưng, đối với người dân thì việc tâm linh cũng phải được bảo đảm. Làm thế nào để hài hòa giữa công việc của Nhà nước và văn hóa tâm linh của người dân? Ông Dương Thành Thị, lúc đó là Chủ tịch UBND quận kiêm Chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu, đã đưa ra phương án đề nghị bà con di dời các mộ có “vai dưới” (tức là các mộ của con cháu) trước, các mộ ông bà để ra Giêng dời sau. Quận một mặt hỗ trợ thêm tiền để bà con các họ tộc tổ chức việc cúng kiếng, di dời, một mặt động viên bà con vì công việc chung mà hoan hỉ thực hiện.

Ông Đinh Ân nhớ lại: “Ban đầu tộc định để lại một số mộ “vai trên”, nhưng qua đề nghị của quận, tui về tổ chức họp tộc mấy lần. Tộc thấy con cháu đi trước, ông bà đi sau thì cũng tội, nên khấn vái ông bà, xin đưa đi luôn một lần lên Nghĩa trang Hòa Ninh cho tiện. Làm rứa mà hay, mình được việc mình, Nhà nước được việc Nhà nước. Phần lớn mộ dưới đây đã xây rồi, khi dời lên Hòa Ninh thấy có điều kiện nên anh em bàn nhau góp thêm mỗi người một ít để ốp đá cho đẹp. Thành ra Tết năm đó ông bà, con cháu đoàn viên ấm cúng trên Hòa Ninh. Mấy đứa cháu Việt kiều nghe tin cũng mừng lắm, gửi tiền về cúng làm cái nhà bia riêng cho đẹp”.

Nhờ cách vận động của chính quyền, sự hợp tác của những tổ trưởng TDP, và nhất là sự đồng thuận của người dân mà đất Liên Chiểu giờ phố xá mọc lên khang trang, đẹp đẽ, “đã khác xưa cả trăm lần hơn” như cách ông ví von. Quận Liên Chiểu sắp bước qua tuổi 20, thành phố Đà Nẵng cũng sắp kỷ niệm 20 năm trực thuộc Trung ương với bao kỳ tích. Trong thành quả chung đó có sự đóng góp nhỏ bé của những trưởng thôn, tổ trưởng TDP như ông.

Bài và ảnh: VIÊN PHÚC QUÂN

.