Từ nhiều năm nay, quận Cẩm Lệ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giải quyết những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, khiến người dân bức xúc.
Một ga-ra trên đường Xuân Thủy thường xuyên gây tiếng ồn lớn và xả khói đen ảnh hưởng đến cuộc sống của khu dân cư. |
Giảm chất lượng sống vì ô nhiễm
Do áp lực của quá trình đô thị hóa ở các quận trung tâm thành phố, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ đã chọn quận Cẩm Lệ làm điểm dừng chân với các dịch vụ như: sửa chữa, rửa ô-tô, xe máy; sản xuất và chế biến đồ gỗ; gia công cơ khí; sản xuất, chế biến thực phẩm... Các cơ sở này giải quyết được một phần lao động cho địa phương, đem lại nguồn thu nhập và góp phần cải thiện điều kiện kinh tế của người dân nhưng đồng thời cũng kéo theo các hệ lụy về môi trường.
Bức xúc vì nhiều năm phải chung sống với ô nhiễm, nhiều hộ dân ở tổ 19C, phường Hòa Thọ Tây phản ánh ga-ra ô-tô Quang Cường thường xuyên gây tiếng ồn, xả nước thải ra môi trường, gây ô nhiễm. Hay Công ty gỗ Ngũ Sơn, phường Hòa Thọ Đông sản xuất gỗ gây tiếng ồn, xả bụi ra khu vực xung quanh, phun PU tỏa mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nhiều đơn thư cũng phản ánh một số hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở phường Hòa Thọ Tây gây mùi hôi thối trong khu dân cư từ nhiều năm nay... Tính từ đầu năm đến nay, có hơn 25 đơn thư, thông tin của người dân quận Cẩm Lệ chuyển từ cấp phường lên đến thành phố phản ánh về tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư.
Ông Đinh Phan Công Anh Tuân, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ, cho biết: Qua kiểm tra, phòng ghi nhận nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm về tiếng ồn, mùi hôi, bụi... và đã lập biên bản, đề nghị Chủ tịch UBND quận ra quyết định xử phạt nhiều trường hợp; đồng thời buộc phải di dời nhiều cơ sở sản xuất ra khỏi địa bàn. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề này, không chỉ là phạt hành chính, đình chỉ sản xuất hoặc buộc di dời... mà cần làm gì để các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ vừa có thể ổn định sản xuất, kinh doanh, vừa góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Cần nơi sản xuất tập trung
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ, hiện nay, trên địa bàn quận có khoảng 160 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Trong đó, phần lớn là sản xuất cơ khí, ga-ra ô-tô, gia công hàng mộc... với phương thức nhỏ, lẻ. Ông Anh Tuân cho biết: Qua kiểm tra, xử phạt, đa số những cơ sở sản xuất đều chấp hành tốt và nhận thức được hành vi vi phạm tại nơi mình sản xuất. Phần lớn họ cũng có ý kiến đề xuất những giải pháp để được sản xuất lâu dài, ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Cư, chủ ga-ra Quang Cường, bày tỏ: “Bản thân tôi luôn ủng hộ mọi chủ trương của thành phố, cũng không muốn gây ô nhiễm, làm phiền những người hàng xóm, nhưng thật ra do đặc trưng của nghề này là nước thải, mùi sơn cũng như tiếng nổ của động cơ...
Tôi mong muốn thành phố, quận Cẩm Lệ cần quy hoạch những khu sản xuất tập trung để những ngành nghề đặc thù như chúng tôi có nơi sản xuất, kinh doanh ổn định. Đồng quan điểm với ông Cư, ông Lê Đức Hiền, chủ cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ ở phường Hòa Thọ Tây cũng tha thiết được thuê đất ở những khu sản xuất tập trung để sản xuất.
Ông Hà Giang, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Cẩm Lệ, cho biết: Từ trước đến nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn quận Cẩm Lệ gặp nhiều khó khăn trong việc chọn mặt bằng sản xuất. Vì vậy, họ tự thuê mặt bằng sản xuất ở những nơi thuận tiện nhất đối với họ, như: diện tích thuê vừa phải, gần nhà, gần khu dân cư.
Điều này dẫn đến một nghịch lý là khi sản xuất sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các hộ dân. Nhưng nếu “buộc” họ vào các khu công nghiệp thì họ không đủ sức vì quy định diện tích thuê ở khu công nghiệp ít nhất là 5.000m2, tiền thuê đất cao, phải trả một lần, thủ tục khó...; như vậy là quá sức với các doanh nghiệp.
Nếu hình thành được cụm công nghiệp nhỏ, thì bài toán về ô nhiễm môi trường ở khu dân cư sẽ được giải quyết; đồng thời, vào nơi sản xuất tập trung, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ hội hơn trong hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Theo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cách đây một năm, UBND thành phố có Quyết định số 3152/QĐ-UBND, ngày 1-6-2015 về việc phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Cẩm Lệ với quy mô 267.545m2 tại khu vực tiếp giáp phía tây khu công nghiệp Hòa Cầm.
Tuy nhiên, vừa qua, thành phố đã có chủ trương thống nhất đầu tư mở rộng khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2) tại khu vực này. Trước thực trạng trên, quận Cẩm Lệ cũng đã có công văn đề xuất và Sở Xây dựng đã chọn khu đất tiếp giáp phía tây đường Nguyễn Phú Hường (khu vực các tổ 1, 2 và 3 phường Hòa Thọ Tây) với diện tích 40ha để xây dựng cụm công nghiệp. Hiện quận vẫn đang chờ UBND thành phố xem xét, có ý kiến chỉ đạo về việc này.
Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ