.

Nên để hiệu trưởng đánh trống khai trường

.

Trước năm 1975 và cả sau ngày đất nước thống nhất, khi kết thúc buổi lễ ngày khai giảng năm học mới cũng như khi kết thúc buổi lễ bế giảng thì Hiệu trưởng là người đánh tiếng trống khai giảng nhằm báo hiệu năm học mới bắt đầu và đánh trống bế giảng báo hiệu năm học đã kết thúc. Song những năm gần đây, việc đánh trống khai giảng năm học mới ở nhiều nơi không còn là của Hiệu trưởng nữa mà là của các vị lãnh đạo chính quyền và của ngành giáo dục cao hơn khi đến dự lễ; nhất là các trường điểm, trường chuyên thì hầu như Hiệu trưởng có khi chưa một lần được đánh trống khai giảng năm học mới.

Việc đánh trống kiểu này có mục đích thể hiện sự quan tâm của chính quyền, của ngành cấp trên đối với sự nghiệp giáo dục nói chung, đối với từng trường học nói riêng. Tuy nhiên, ở góc độ một người thầy và cũng từng là người trò, tôi thấy rằng nên để Hiệu trưởng đánh trống khai giảng học mới, như vậy mới có ý nghĩa giáo dục cao.

Bởi lẽ, Hiệu trưởng chính là người thay mặt Nhà nước quản lý, điều hành giáo dục của một trường thì để họ thể hiện tinh thần ấy qua việc đánh trống khai giảng năm học. Tiếng trống đó chính là thể hiện sự quyết tâm, cái uy của người lãnh đạo của một trường học. Không để họ đánh trống là vô tình hay hữu ý đã cắt đi cái vinh dự của người làm chủ một ngôi trường. Và nếu như họ không được đánh trống khai giảng năm học mới mà chỉ được đánh trống bế giảng là một nghịch lý đáng buồn!

Lớp lớp học sinh dự lễ khai giảng năm học mới năm này rồi qua năm khác, luôn cảm nhận được hình ảnh người thầy Hiệu trưởng uy nghiêm, trang trọng, thân thiện cùng với tiếng trống trường đầu năm học mới âm vang, thúc giục để các em hứng khởi thi đua học tập, rèn luyện; cũng là hình ảnh đầy ấn tượng, khó quên của quãng đời học sinh. Vậy nên, xin trả lại quyền được đánh tiếng trống trong ngày khai giảng cho Hiệu trưởng.

NGUYỄN VĂN TÚ

;
.
.
.
.
.