Sau hơn 10 năm hoạt động, Quỹ hoàn lương (QHL-2003) chính thức khép lại. Một quy chế mới thay thế cho QHL là Quyết định 4279/QĐ-UBND ngày 11-6-2015 của UBND thành phố về ban hành Quy chế cho vay hoàn lương. So với QHL, quy chế mới mở ra cơ hội cho người hoàn lương khi số tiền được vay vốn lớn gấp 10 lần.
Ông Nguyễn Anh Thông, trú tại tổ 32 phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) gặp chúng tôi khi vừa trở về từ công trình gia công cơ khí. Quần áo lấm lem vụn sắt, ông văn vo bàn tay bảo nghe tin mấy anh chị ở Ngân hàng Chính sách hẹn về gặp là vội đi ngay. Chấp hành xong án 3 năm, ông trở về với những dự định ngổn ngang nhưng do tay trắng, mọi thứ đều có nguy cơ bế tắc.
Được tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm “mách nước” về việc những người hoàn lương được thành phố cho vay vốn ưu đãi, ông làm đơn xin vay, có hội - đoàn thể thẩm định phương án làm ăn, rồi gửi lên Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH- Chi nhánh Đà Nẵng) và chờ đợi. Sau khi có vốn giải ngân từ thành phố chuyển qua, NHCSXH đã cho ông vay số tiền 20 triệu đồng với lãi suất 0% (3 năm đầu thành phố hỗ trợ). Có tiền, ông mở quán cà-phê.
Vốn có sẵn nghề gia công cơ khí, sau thời gian đầu bán cà-phê, ông góp vốn cùng em trai nhận hàng gia công cơ khí về làm. Từ đó đến nay, ông có thu nhập ổn định, cuộc sống tốt đẹp hơn, có điều kiện lo cho đứa con thứ 2 đang học đại học. “Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi nên công việc ổn định, đặc biệt là giai đoạn mới trở về không bị mất phương hướng cũng như có bước đà quan trọng ban đầu.
Tôi sẽ cố gắng tiết kiệm, chí thú làm ăn để sớm hoàn trả vốn vay, một phần thực hiện trách nhiệm của người vay vốn, phần nữa là để tỏ lòng biết ơn đến chính sách nhân văn của thành phố đối với chúng tôi”, ông Thông chia sẻ.
Bà Hồ Thị Nhung, ở tổ 49 phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), khi mãn hạn thi hành án, được vay 30 triệu đồng vào cuối năm 2015. Có tiền, bà sắm dụng cụ làm tạp vụ gia đình. Bà cùng với một số người bạn lập nhóm để thuận lợi tìm kiếm, phân công việc làm, tạo điều kiện thu nhập ổn định, bình quân mỗi tháng 4-5 triệu đồng/người. “Mỗi tháng ít nhất tôi cũng bỏ quỹ tiết kiệm 500.000 đồng. Cố gắng năm tới tăng quỹ này lên để sớm hoàn trả vốn gốc. Có tiền vay ưu đãi, có công việc ổn định giúp mình hòa nhập cộng đồng, mọi người không phân biệt, dị nghị, mình cũng không còn thời gian rảnh rỗi để... sinh nông nổi”, bà Nhung nói.
Theo QHL trước đây, bình quân mỗi người mãn hạn thi hành án trở về chỉ được vay tối đa 3-5 triệu đồng. Quỹ này áp dụng cho đối tượng vừa thi hành án xong vay trực tiếp, do Ban quản lý QHL cho vay và theo dõi. Hiện nay, quy định cho vay theo quy chế mới từ Quyết định 4279 chỉ áp dụng đối với gia đình có thành viên đã chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương sinh sống, đáp ứng các điều kiện theo quy định về cho vay vốn.
Ông Đoàn Ngọc Chung, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đây là điểm khác biệt, tạo điều kiện cho hộ gia đình vay vốn, vừa có tính ổn định, bảo đảm trách nhiệm cũng như định hướng phát triển kinh tế rõ ràng, có điều kiện thu hồi vốn nhanh. Một thuận lợi nữa từ khi áp dụng quy chế mới cho vay hoàn lương, đó là người vay chấp hành trả nợ theo quy định, bên cạnh đó còn tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn để tích lũy trả nợ vay.
Trong những điều kiện để có thể vay vốn hoàn lương, đáng chú ý về điều kiện là có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh hiện tại của gia đình được UBND xã, phường xác nhận.
“Quyết định 4279 là một chính sách nhân văn của thành phố đối với những người hoàn lương, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Bên cạnh NHCSXH, cần có các hội, đoàn thể, cơ quan chức năng chung tay để phát huy hiệu quả chính sách này”, ông Chung nói.
Trong đợt 1 bàn giao giữa Ban quản lý QHL với NHCSXH, có 207 trường hợp vay theo QHL với số tiền 553,5 triệu đồng. Từ khi triển khai theo Quyết định 4279, đã có 65 hộ vay với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, thu nợ 133 triệu đồng (có 41 trường hợp tất toán). Tổng dư nợ hơn 2,1 tỷ đồng với 231 hộ. |
TRỌNG HUY