Bạn đọc

Chuyện tổ, chuyện thôn

Khi bảo vệ dân phố làm... diễn viên

08:59, 05/10/2016 (GMT+7)

10 ngày trước khi diễn ra hội thi “Bảo vệ dân phố giỏi” quận Ngũ Hành Sơn lần thứ nhất năm 2016, các “diễn viên” tham gia tiểu phẩm của đội phường Hòa Hải mới nắm kịch bản trong tay. Lâu nay chỉ toàn làm công tác bảo vệ dân phố (BVDP), chừ đi làm “diễn viên”, ai cũng cảm thấy lo lo...

Kịch bản có tên Nỗi niềm, nói về một người nghiện ma túy tên Sơn, sau khi đi cai về, ai gặp cũng né, xin việc không ai nhận, thậm chí xin... rửa chén bát ở các quán nhậu cũng không ai cho. Mang nỗi bức xúc, buồn bực về nhà, Sơn trút hết vào vợ, con. Đay nghiến, chì chiết, bạo hành..., nhà cửa lúc nào cũng đầy tiếng la hét của chồng, than khóc của vợ.

Thấy thế, ông Nhân - cán bộ BVDP và là đồng đội chiến trường K với ba của Sơn ngày trước, đem lời phân giải. Ba của Sơn vì cứu mạng ông Nhân mà nhận một mảnh đạn vào ngực mình và nó hành hạ ông đến cuối đời. Ông Nhân nhắc lại hình ảnh một người cha xả thân vì Tổ quốc, vì tương lai đất nước để khuyên đứa con hãy đứng lên làm lại cuộc đời, tránh xa con đường ăn chơi rượu chè, hút xách. Lời nhỏ to tâm sự có tình có lý của ông Nhân đã làm Sơn dần hồi tâm: “Cứ sống tốt thì không ai ngoảnh mặt; không làm được như thế là hèn, là có tội với ba con đó, Sơn à”.

Tiểu phẩm có tất cả 7 nhân vật với 5 “diễn viên” là lực lượng BVDP, một đội viên Đội dân phòng cơ động nữ và một công an khu vực chính hiệu đóng vai... công an khu vực. Đóng vai Sơn là anh Nguyễn Hạnh, tổ phó tổ BVDP số 5, tổ trưởng tổ dân phòng cơ sở số 5 (gồm 10 tổ dân phố ở khu vực Đông Trà). Vai ông Nhân được giao cho ông Mạc Như Thìn, tổ phó tổ BVDP số 9...

Xem qua kịch bản, ai cũng lo. Đạo diễn Lê Thành hiểu ý, tường tận hướng dẫn diễn xuất cho từng nhân vật một. Ví như với vai Sơn, ông bảo: Đóng vai chồng là phải thiệt bạo lực, hung hãn lên mới được; vai ông Nhân, phải hiền từ nhưng dứt khoát, kiên định... Có điều, những gì ghi trong kịch bản cũng đã diễn ra đâu đó ngoài đời thực - mà trong công tác thường ngày các diễn-viên-bất-đắc-dĩ này đã bắt gặp - nên mọi người nhập vai rất nhanh.

Trung úy Trần Viết Toàn, phụ trách mảng phong trào Công an phường Hòa Hải, người theo sát đội kịch từ khi tập dợt đến khi thi quận, thi thành phố cho biết, khi lên sân khấu, mọi người quên hẳn đời thực của mình và hóa thân thành nhân vật rất sống động. Trước khi đi thi, đội kịch diễn 3 đêm ở 3 khu vực (Sơn Thủy, Đông Trà và Tân Trà) thì cô dẫn chương trình khóc cả ba lần ở phân cảnh chồng say xỉn bạo hành vợ. Một phụ nữ bình luận: “Răng giống y nhà tui, cũng chồng say xỉn về đánh đập vợ con, gây náo động nhà cửa. Ước chi có một ông BVDP mô đó tới can thiệp như ông Nhân trong kịch để bớt khổ”.

Thi quận, đội đoạt giải nhất; sau đó đại diện quận Ngũ Hành Sơn tham dự và đoạt giải nhì hội thi “Bảo vệ dân phố giỏi” thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất năm 2016 cùng với giải diễn viên xuất sắc nhất.

Yêu cầu đặt ra là các đội dự thi phải gồm những người có kiến thức về đạo đức xã hội, có kinh nghiệm, phản ứng nhanh nhạy, kịp thời để giải quyết tốt các tình huống trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội xảy ra hằng ngày trên địa bàn quận. Tham gia vở kịch Nỗi niềm, các thành viên BVDP phường Hòa Hải càng cảm thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn nhằm góp phần xây dựng một Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung bình yên, đáng sống.

VĂN THÀNH LÊ

.