Bạn đọc
Tự chế xe cứu hỏa cho khu dân cư
Dân gian thường nói “trong cái khó ló cái khôn”. Cái khó ở khu dân cư (KDC) Tam Giác, phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) là kiệt hẻm quá hẹp, nhiều gấp khúc và chằng chịt như mạng nhện. Mỗi khi có hỏa hoạn sẽ khó khăn trong công tác cứu hỏa. Vì vậy, ông Trần Đình Hùng, Trưởng ban công tác Mặt trận khu Tam Giác 2B, đã tự chế xe cứu hỏa di động.
Ông Trần Đình Hùng với chiếc xe cứu hỏa tự chế. |
Kiệt, hẻm KDC Tam Giác chỉ rộng vừa đủ 2 người đi bộ tránh nhau, ngoằn ngoèo như rễ chùm xòe ra muôn hướng. Nhà ông Hùng nằm sâu trong hẻm, gia công dép da từ lâu, nên ông có nhà thường xuyên. Vẫn phong cách cũ, chưa kịp hỏi thăm, ông đưa tôi dạo một vòng KDC với những kiệt, hẻm sâu hoắm. “Nó nhỏ, hẹp như thế, cộng thêm nhà các hộ quá chật nên xe máy gần như để hoàn toàn ở ngoài đường (hẻm). Khi có hỏa hoạn, công tác cứu hỏa làm sao không gặp khó khăn”, ông Hùng nói.
Ông Trần Đình Hùng dành dụm số tiền thưởng do công tác Mặt trận tốt, tiền trợ cấp đại biểu HĐND phường để đầu tư làm “xe chữa cháy di động”. Đó là chiếc khung sắt có 4 bánh di động, gắn mô-tơ 2,5 CV, 60m ống dây nhựa dẫn nước và cuộn dây điện 50m kèm theo, cùng hệ thống thang dây bằng việc tận dụng quai dép da (số dây da dư thừa từ việc gia công dép da), dây thừng và ròng rọc. Tất cả đều do ông tự mua, tự chế, xuất phát từ nhu cầu thực tế trong KDC. Có cháy, hệ thống dây nhựa phát huy tác dụng, len vào tận nơi xảy ra hỏa hoạn, với cột nước phụt cao 20m, thang di động 20m, ròng rọc đu theo dây thừng… bảo đảm chữa cháy, cứu người nhanh chóng và tức thời trong lúc chờ đội cứu hỏa chuyên nghiệp tới. Tháng trước, có nhà đốt than củi, bỏ quên nên gây cháy, nhờ xe chữa cháy của ông Hùng mà dập tắt an toàn. Ông Hùng bảo, “trong cái khó, ló cái khôn”. Ông còn bảo, bây giờ có thang dây 20m, sắp tới sẽ đầu tư làm thang mới dài 30m, làm sao nhà trên 10 tầng có cháy vẫn có thể kéo thang lên để cứu người một cách linh hoạt và nhanh chóng nhất.
Tôi ngồi xem ông Hùng kéo xe cứu hỏa ra, rải vòng ống dẫn nước rồi “biểu diễn” các động tác thắt dây thang an toàn, kéo dây thừng gắn ròng rọc để đu dây một cách nhanh chóng, thành thạo. “Ở đây người dân nghèo, đa phần nấu than củi để chế biến thức ăn đường phố. Trong khi nhà chật (có nhà chỉ 6m2), mái thấp, nguy cơ cháy rất cao”, ông Hùng kể.
Cũng bởi thấy rõ cái nghèo của người dân nên ông Hùng luôn trăn trở làm sao để chia sẻ với họ những gì trong khả năng mình. Suốt 15 năm qua, với công tác “vác tù và hàng tổng” ở KDC này, ông nắm rõ từng ngóc ngách, ngõ hẻm, diện tích nhà của mỗi hộ, số nhân khẩu, hoàn cảnh gia đình… Ông để dành từng cái đinh vít để mùa mưa phát cho các hộ có nhu cầu gia cố lại mái tôn… “Có anh cảnh sát khu vực từng gọi vui xóm tôi là “khu Somali” (khu nghèo, phức tạp)”, ông Hùng cho hay. Tôi hỏi, sao phức tạp thế mà xe máy để cả dãy ngoài trời cả ngày lẫn đêm. Ông cho biết, nhà chật lấy đâu chỗ dắt xe vô. Vậy mà từ trước đến nay chưa hề có vụ mất trộm xe máy nào.
Tôi nói rằng, ông sẽ còn “vất vả” dài dài. Ông cười: “Tôi đã quen những công việc như vậy mười mấy năm rồi”.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY