.

Trường học phân tán vì thiếu đất

.

Hiện nay, trên địa bàn quận Thanh Khê, do thiếu đất, trong khi số học sinh đông, nên nhiều trường học, nhất là mầm non, tiểu học bị phân tán thành nhiều cơ sở và chật chội. Việc đầu tư cơ sở giáo dục phải chờ giải tỏa các công trình, dự án khác.

Cơ sở 3 của Trường tiểu học Trần Cao Vân chỉ có 4 lớp.                                Ảnh: NAM TRÂN
Cơ sở 3 của Trường tiểu học Trần Cao Vân chỉ có 4 lớp. Ảnh: NAM TRÂN

Ông Hồ Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Tân Chính cho biết: “Trên địa bàn phường hiện có 1 trường tiểu học nhưng được phân thành 3 cơ sở; 1 trường mầm non công lập tuyển sinh rất hạn chế do thiếu quỹ đất để xây dựng phòng học, sân chơi, trong khi số lượng học sinh đông”.

Còn thầy Nguyễn Thế Quyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Cao Vân cho hay: “Hiện trường có 1.422 học sinh chia làm 42 lớp với 3 cơ sở, trong đó có một nửa chỉ học 1 buổi/ngày. Do diện tích ít, học sinh đông, thiệt thòi cho các em khi không được học 2 buổi/ngày, sân chơi quá nhỏ bé, nhưng đây là nỗi khổ hàng chục năm rồi.

Vừa qua, trên cơ sở giải tỏa trụ sở Hội Nông dân thành phố ở đường Hoàng Hoa Thám, thành phố quyết định đầu tư 35 tỷ đồng xây dựng mới tại đây 25 phòng học, 8 phòng chức năng, bếp ăn bán trú, bể bơi, phòng làm việc, hội trường. Dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm học 2017-2018, trường sẽ chuyển cơ sở 2 và cơ sở 3 sang cơ sở mới để học sinh được học 2 buổi/ngày”.

Trong khi đó, nhiều trường học trên địa bàn các phường khác của quận Thanh Khê không có đất để xây dựng mở rộng hoặc phải chờ đợi các công trình, dự án giải tỏa trong thời gian dài. UBND quận Thanh Khê cho rằng, tình trạng một trường gồm nhiều cơ sở nằm cách xa nhau ảnh hưởng đến việc quản lý và hoạt động của nhà trường.

Lãnh đạo quận và các ngành đã thấy sự bất cập này nhưng qua các lần rà soát quy hoạch mạng lưới giáo dục nhằm mở rộng cơ sở giáo dục tại một số phường gặp nhiều khó khăn. Phường Thạc Gián và Vĩnh Trung không có đất để mở rộng trường học.

Phường Tam Thuận và Tân Chính phải đợi khi giải tỏa ga đường sắt mới đề nghị thành phố bố trí đất ưu tiên cho giáo dục. Các phường Chính Gián, An Khê, Hòa Khê phải chờ giải tỏa đất giáp sân bay Đà Nẵng. Phường Xuân Hà chờ giải tỏa nhà máy nhựa... Vì vậy, việc đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất hiện trạng của các trường theo hướng phát triển chiều cao, nhưng giải pháp này cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư có hạn.

Cũng theo UBND quận Thanh Khê, quận đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố quy hoạch hệ thống trường học trên địa bàn quận giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đề nghị thành phố ưu tiên bố trí đất và đầu tư các trường có diện tích lớn, quy mô tập trung. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hạn chế, phương án bán hoặc hoán đổi cơ sở nhỏ lẻ để lấy kinh phí đầu tư là một trong những giải pháp được tính đến nhưng việc này thuộc thẩm quyền của thành phố, UBND quận sẽ có tính toán, xin ý kiến triển khai thực hiện.

NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.