Sở Xây dựng có Công văn số 6195/SXD-VP (ngày 12-7-2017) gửi Báo Đà Nẵng phản hồi bài viết: “Vì sao chấm dứt chuyển nhượng chung cư diện giải tỏa?” (đăng trên Báo Đà Nẵng số ra ngày 8-7-2017), với nội dung sau:
Trước đây, thành phố chủ trương cho phép chuyển đổi quyền cho thuê căn hộ đối với trường hợp bố trí tái định cư cho hộ giải tỏa. Theo đó, đối với các trường hợp nhận sang nhượng căn hộ chung cư của hộ giải tỏa thì có thể cho phép chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà chung cư nếu đối tượng đó thuộc diện bức xúc về chỗ ở. Người được chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà được ký hợp đồng thuê căn hộ với Nhà nước phải chấp hành đúng các quy định về quản lý sử dụng căn hộ chung cư theo quy định hiện hành (không được mua bán, không cho thuê lại…). Công ty Quản lý nhà chung cư có trách nhiệm kiểm tra, lập thủ tục chuyển đổi, quản lý và thu tiền thuê nhà theo đúng chủ trương và quy định của thành phố.
Tuy nhiên, chủ trương này không những gây nhầm lẫn mà một số trường hợp được bố trí cho thuê cũng lợi dụng việc cho chuyển đổi tên đối với đối tượng giải tỏa để sang nhượng, cá biệt có trường hợp chuyển đổi tên lần 2 (đối với chung cư bố trí cho đối tượng giải tỏa), từ đó nảy sinh phức tạp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư và phát sinh các trường hợp “cò” bán căn hộ chung cư không phải hộ giải tỏa, gây khó khăn khi giải quyết thu hồi căn hộ hoặc cưỡng chế.
Trước tình hình này, ngày 18-11-2016, UBND thành phố ban hành Công văn số 9466/UBND-QLĐTh về việc liên quan đến công tác quản lý bố trí căn hộ chung cư. Theo đó, chấm dứt việc cho phép ký hợp đồng chuyển đổi quyền cho thuê căn hộ đối với các hộ diện giải tỏa theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp các hộ diện giải tỏa được bố trí cho thuê chung cư, yêu cầu các hộ có cam kết khi nhận thuê nhà chung cư phải ở chính chủ (không được mua bán, không cho thuê lại, không cho ở nhờ, không để trống…), nếu vi phạm sẽ bị thu hồi theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ.
PHÒNG BẠN ĐỌC