Qua đơn-thư bạn đọc

Dự án nâng cấp, cải tạo đường Tô Hiệu: Người dân muốn nhận 50% giá trị đền bù đất

.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường Tô Hiệu được phê duyệt nâng cấp, cải tạo từ cuối năm 2012 (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến giáp đường sắt Bắc Nam), phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 9-2014 (đoạn từ đường sắt đến đường Phùng Hưng). Theo dự kiến ban đầu, đến cuối năm 2015 hoàn thành toàn tuyến. Qua 5 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, đến nay, đường Tô Hiệu vẫn dang dở. Nguyên nhân do công tác đền bù giải tỏa chưa hoàn thiện; người dân và các cơ quan chức năng chưa tìm được tiếng nói chung về chính sách đền bù, hỗ trợ giải tỏa.

Đường Tô Hiệu đoạn đi qua chợ Hòa Mỹ (cũ) bị xuống cấp.
Đường Tô Hiệu đoạn đi qua chợ Hòa Mỹ (cũ) bị xuống cấp.

Được biết, tổng mức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường Tô Hiệu trên 89 tỷ đồng; trong đó, chi phí đền bù giải tỏa trên 15 tỷ đồng (theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ, đền bù vật kiến trúc, nhà cửa, dân hiến đất 100%). Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn - đơn vị điều hành dự án, đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường sắt Bắc Nam và đoạn từ đường sắt Bắc Nam đến đường Phùng Hưng (nhánh 1) đã thi công hoàn thành thảm bê-tông nhựa. Tuy nhiên, còn vướng 1 hồ sơ (hộ bà Nguyễn Thị Hồng Hoa) trong diện giải tỏa của khu tái định cư số 7 - Trục 1 Tây Bắc chưa bàn giao mặt bằng nên chưa thi công được hệ thống thoát nước, bó vỉa, mặt đường bê-tông nhựa tại vị trí này.

Đối với đoạn đi qua chợ Hòa Mỹ (nhánh 2) có chiều dài 443m, mặt đường 7,5m, vỉa hè mỗi bên 3m có 87 hồ sơ, chỉ 15 hồ sơ nhận tiền và bàn giao mặt bằng; 14 hồ sơ nhận 80% giá trị tiền đền bù; còn 58 hồ sơ chưa nhận tiền. Hiện chưa triển khai thi công vì chưa có mặt bằng.

Có mặt tại đoạn đường Tô Hiệu (N2), đoạn đi qua chợ Hòa Mỹ (cũ), phóng viên ghi nhận tình trạng xuống cấp của tuyến đường này. Đường không có hệ thống thoát nước, mặt đường bê-tông nhựa đã sủi sạn, đá dăm nham nhở, có nhiều vũng nước giữa đường. Đường chưa có vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật cây xanh, thoát nước, bó vỉa chưa có. Ông Nguyễn Phát (tổ 218, phường Hòa Minh) cho biết, hễ mưa lớn thì nước ngập tràn vào nhà, ngập có khi ngang đầu gối, nước rút rất chậm. Vào mùa mưa, tình trạng ngập, ô nhiễm môi trường diễn ra thường xuyên hơn. “Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm triển khai làm đường để giải quyết dứt điểm những bất cập trên. Có vậy, cuộc sống của người dân khu vực này được bảo đảm, không bị ô nhiễm môi trường, tránh nguy cơ mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, công tác đền bù, hỗ trợ người dân mất đất phải bảo đảm thỏa đáng”, ông Phát nói.

Theo ông Phát, đường Tô Hiệu (N2) được mở rộng từ năm 1998, năm 2002 tiếp tục mở rộng, nâng cấp mới thoáng rộng như hiện nay. Tại thời điểm đó, gia đình ông đã hiến 70m2 đất và đóng góp thêm tiền để làm đường. “Nếu bây giờ Nhà nước làm các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, chúng tôi sẵn sàng hiến đất, chưa kể nếu đóng góp thêm thì cũng sẵn sàng. Nhưng với dự án làm đường này, chúng tôi đã hiến đất, nay nếu hiến 100% (theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”) với hơn 100m2 đất (hộ ông Phát bị thu hồi 106m2) thì thiệt thòi cho dân quá. Chúng tôi kiến nghị, nếu đền bù 50% giá đất bị thu hồi thì người dân sẽ đồng ý”, ông Phát nói.

Tại Thông báo 55/TB-UBND ngày 28-4-2017 của UBND thành phố, giao Hội đồng Giải phóng mặt bằng (quận Liên Chiểu) tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành trong tháng 8-2017 để Ban quản lý dự án tổ chức thi công hoàn thành trong tháng 12-2017. Theo đại diện UBND phường Hòa Minh, đã thành lập 2 tổ vận động để tuyên truyền người dân sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công sớm triển khai dự án. “Chúng tôi không chỉ thông báo đến người dân về công tác di dời, bàn giao mặt bằng, mà sẽ đến trực tiếp từng hộ để vận động. Tuy nhiên, về chủ trương đền bù, hỗ trợ cụ thể thì phải đợi cấp trên quyết định”, vị đại diện này cho biết.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.