Báo Đà Nẵng nhận được đơn của Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long) tố cáo Công ty CP Xây dựng Hồng Trí Việt (gọi tắt là Công ty Hồng Trí Việt) cố tình chiếm dụng vốn, chiếm giữ tài sản (cừ larsen, thép hình H350...) khi hoàn thành thi công ép cừ công trình khách sạn Ma Belle (lô 3, 4, 5, khu B2.4, đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà) và chây ì, không chịu thanh toán 2 khoản nợ tổng cộng hơn 1 tỷ đồng sau khi đã nghiệm thu khối lượng thi công, quyết toán và phát hành hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).
Công nhân của Công ty Hồng Trí Việt cắt cọc cừ của đơn vị thuê ngoài. |
Theo đơn tố cáo, vào tháng 2 và 3-2017, Công ty Thăng Long ký 2 hợp đồng với Công ty Hồng Trí Việt cho thuê thép hình H350, cừ larsen (kingpost) và lắp dựng văng chống cừ, tháo dỡ cừ phục vụ thi công công trình khách sạn Ma Belle với tổng giá trị gần 1,89 tỷ đồng, trong đó đã tạm ứng 864 triệu đồng, còn nợ lại 1,02 tỷ đồng.
Đến ngày 28-7, sau khi có biên bản nghiệm thu công trình và tiến hành quyết toán, phát hành hóa đơn GTGT, Công ty Thăng Long yêu cầu Công ty Hồng Trí Việt thanh toán toàn bộ hợp đồng và hoàn trả thép hình H350, cừ larsen đã thuê thì Công ty Hồng Trí Việt đã cho vận chuyển thép hình, cừ ra khỏi công trường và chuyển đi đâu không rõ.
Sau đó, Công ty Hồng Trí Việt không thanh toán giá trị hợp đồng đã nghiệm thu, quyết toán và phát hành hóa đơn với giá trị 1,02 tỷ đồng, đồng thời chiếm dụng vật tư của Công ty Thăng Long có tổng trị giá 214 triệu đồng.
Ngày 5-10, Công ty Hồng Trí Việt cũng có văn bản gửi Báo Đà Nẵng cho rằng, trong quá trình thực hiện công việc theo 2 hợp đồng nói trên, Công ty Thăng Long làm chậm tiến độ 13 ngày và ép cừ vây không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, gây sạt lở buộc phải đền bù cho quán cà-phê Tropical ở bên cạnh.
Sau khi hoàn thành công việc, Công ty Thăng Long đã tiến hành nhổ cừ, tháo dỡ hệ thép hình văng chống và đã cho chuyển đi. Công ty Hồng Trí Việt thừa nhận đã cắt một số cây cừ làm thanh chống kingpost cùng một số thanh thép hình và vận chuyển về kho của công ty.
Tuy nhiên, theo ông Từ Trang Thanh, Giám đốc Công ty Thăng Long, trong hợp đồng kinh tế thi công hạng mục tường vây hố móng, phần móng tầng hầm của công trình khách sạn Ma Belle, hai bên đã thống nhất điều khoản là Công ty Hồng Trí Việt không được đục thủng cừ, tự ý rút cừ hoặc thuê đơn vị khác rút cừ nếu chưa được sự đồng ý của Công ty Thăng Long. Công ty Hồng Trí Việt còn chịu trách nhiệm trông giữ cừ và thiết bị của Công ty Thăng Long trong suốt thời gian thuê; nếu xảy ra mất mát, hao hụt, cong vênh... thì phải bồi thường.
Cạnh đó, cũng có điều khoản nêu rõ: Hàng cừ sau khi ép xong được dùng để chắn đất, thi công hố móng, nếu có mực nước ngầm cao hoặc cát chảy thì hàng cừ sẽ không chống được nước và cát chảy đó, Công ty Thăng Long không chịu trách nhiệm xử lý nước và cát chảy vào hố móng...
“Việc để xảy ra sạt lở quán cà-phê bên cạnh do Công ty Hồng Trí Việt không xử lý được nước ngầm. Do đó, việc đền bù cho chủ quán cà-phê là trách nhiệm của Công ty Hồng Trí Việt như điều khoản hợp đồng đã ký kết. Chúng tôi đã có thiện chí chia sẻ bồi thường thiệt hại cho quán cà-phê 52,5 triệu đồng, nhưng Công ty Hồng Trí Việt không đồng ý.
Công ty Hồng Trí Việt đòi phạt chúng tôi thi công chậm tiến độ nhưng lại không chịu bị phạt vì chậm bàn giao mặt bằng và nguồn điện 3 pha phục vụ thi công như điều khoản ràng buộc của hợp đồng đã ký kết. Hơn nữa, Công ty Hồng Trí Việt lại chưa chịu thanh toán giá trị hợp đồng có giá trị 1,02 tỷ đồng đã nghiệm thu, quyết toán và phát hành hóa đơn”, ông Từ Trang Thanh cho biết.
Trong khi đó, trong nội dung văn bản gửi đến Báo Đà Nẵng, Công ty Hồng Trí Việt cho rằng, việc tố cáo công ty chiếm dụng vốn và chiếm giữ tài sản là vu khống, phản ánh không đúng sự thật và sẽ đề nghị các cơ quan pháp luật vào cuộc, xem xét làm rõ.
Qua trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về nội dung vụ việc này, luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp cho rằng: “Đây là mối quan hệ phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa hai bên nên các đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh thông qua các bằng chứng.
Nếu hai bên đồng thuận thì ngồi lại với nhau để thương thảo, giải quyết các vấn đề. Nếu không đồng thuận thì khởi kiện, nhờ tòa án kinh tế giải quyết tranh chấp hợp đồng, nghĩa vụ thanh toán hoặc từ chối thanh toán, chậm thanh toán. Đã phát hành hóa đơn GTGT rồi mà không thanh toán thì có thể khởi kiện buộc phải có nghĩa vụ thanh toán và thanh toán thêm phần lãi suất do quá hạn. Tóm lại, khi quyền và nghĩa vụ gì bị xâm hại thì có quyền khởi kiện nhờ tòa án giải quyết để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP