Kênh hở Khuê Trung gây ô nhiễm

.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng đơn vị quản lý vẫn không thể xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại kênh hở Khuê Trung (đoạn giáp ranh phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu và phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ). Để giải quyết vấn đề này, yêu cầu nâng công suất máy bơm nước thải tại cửa xả (nằm trên đường Hồ Nguyên Trừng) là tất yếu. Tuy nhiên, vẫn phải chờ các cơ quan chức năng thực hiện theo quy trình để đưa vào dự án phát triển bền vững.

Nước thải sinh hoạt thường xuyên tràn cửa xả tại cửa xả đường Hồ Nguyên Trừng (ảnh trái). Kênh hở Khuê Trung vẫn có màu đen đặc và bốc mùi hôi thối.
Nước thải sinh hoạt thường xuyên tràn cửa xả tại cửa xả đường Hồ Nguyên Trừng (ảnh trái). Kênh hở Khuê Trung vẫn có màu đen đặc và bốc mùi hôi thối.

Ông Một, có nhà ở sát khu vực kênh hở Khuê Trung, đoạn cửa xả nằm dưới đường Hồ Nguyên Trừng (thuộc phường Hòa Cường Nam) cho biết: “Mùa mưa, nước mưa lớn nên dung hòa bớt độ ô nhiễm, nhưng mùa nắng bốc mùi hôi nồng nặc. Có thông tin dòng kênh này sẽ được cải tạo, trở thành điểm tham quan về môi trường xanh, sạch, đẹp nhưng cơ bản phải xử lý dứt điểm, không để nước thải chỗ cửa xả đổ ra kênh”, ông Một cho hay.

Được biết, kênh hở Khuê Trung được xây dựng từ năm 2007 đến nay. Kênh này phục vụ thoát nước khu vực rộng lớn gồm các quận Hải Châu, Cẩm Lệ và khu vực sân bay Đà Nẵng xả ra. Lưu lượng xả thải cao điểm đạt 100l/s. Sau khi gom nước thải các khu vực nói trên dồn về kênh hở Khuê Trung đoạn giáp ranh phường Hòa Cường Nam và phường Khuê Trung, tại cửa xả này có 3 máy bơm tổng công suất 80l/s hoạt động liên tục để hút nước thải về Trạm xử lý nước thải Hòa Cường xử lý trước khi thải ra môi trường. Do có sự chênh lệch lưu lượng xả thải và công suất máy bơm (chưa kể vào thời gian mưa lớn, lưu lượng tại cửa xả có thể đạt mức >10 khối/s) nên nước thải đổ ra gây ô nhiễm dòng kênh hở là tất yếu.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cho biết, chỉ có thể nâng công suất máy bơm lớn hơn lưu lượng xả thải thì sẽ hút hết nước thải ra, mới xử lý dứt điểm tình trạng nước thải tràn cửa xả ra dòng kênh hở như hiện nay. Về giải pháp nâng cấp công suất máy bơm, thiết bị bơm, ống dẫn bơm để đưa về trạm xử lý nước thải, sẽ đưa vào dự án phát triển bền vững của thành phố. Tuy nhiên, theo ông Mã, để dự án này triển khai sẽ phải trải qua quy trình nhiều khâu thủ tục và thẩm định của nhiều cơ quan chức năng, sẽ rất mất thời gian. Trong thời gian đến, công ty sẽ chủ động, linh động tự khảo sát, thiết kế để thực hiện các công đoạn nâng cấp nói trên, dự trù kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.

Về giải pháp lâu dài và triệt để, theo ông Mã, chỉ có thể tách việc thu gom nước thải riêng ra với nước thải tự nhiên để thu gom và đưa về trạm xử lý. Tuy nhiên, đây là giải pháp tốn kém và ít khả thi trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Trước mắt, công ty thường xuyên sử dụng hệ thống xử lý phun khoáng hóa tự động để giảm thiểu mùi hôi. Bên cạnh đó, thả cây xanh tạo mảng cảnh quan để giảm thiểu mùi hôi nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở khu vực kênh hở này.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.