Qua đường dây nóng

Thi công công trình gây nứt nhà dân

.

Đường dây nóng Báo Đà Nẵng nhận được thông tin từ hộ ông Nguyễn Mười (trú 33C Núi Thành, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) phản ánh về việc hộ liền kề là Công ty TNHH Tùng Lâm (số 35A, B, C Núi Thành) xây dựng công trình cao tầng, đào móng, đóng cọc nhồi làm nứt nhà, gây ồn ào, ô nhiễm môi trường và bao bọc tôn che khuất tầm nhìn, làm ảnh hưởng việc kinh doanh.

Vị trí bị nứt nặng nhất là ở tường phía sau bếp (vết nứt dọc kéo dài khoảng hơn 1m, rộng hơn 1cm) và ngày càng lan rộng.
Vị trí bị nứt nặng nhất là ở tường phía sau bếp (vết nứt dọc kéo dài khoảng hơn 1m, rộng hơn 1cm) và ngày càng lan rộng.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngôi nhà cấp 4 với 1 gác lửng của hộ ông Mười nằm sát công trình đang thi công tòa nhà Văn phòng Công ty Tùng Lâm. Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy nhiều vết nứt ngang và dọc ở nhiều vị trí trong nhà ông Mười. Phía tường trên gác lửng của tòa nhà cũng có 2 vết nứt ngang kéo dài.

Ông Mười cho biết, riêng vết nứt ở tường sau bếp có từ trước khi công trình thi công nhưng chỉ là vệt nhỏ, không đáng kể. “Từ khi công trình đào móng và thi công khoan cọc nhồi, nhiều vết nứt xuất hiện khắp nhà và ngày càng to, kéo dài. Móng nhà cũng bị ảnh hưởng làm cửa trước, cửa sau bị lệch lề nên không đóng được. Chúng tôi lo lắng việc thi công có thể làm các vết nứt ngày càng lớn và nguy cơ sập nhà”, ông Mười bức xúc.

Ngoài ra, theo phản ánh của ông Mười, công trình còn gây tiếng ồn nên phải đưa mẹ già năm nay 89 tuổi đi nơi khác; con cái của ông cũng không học hành được. “Việc thi công còn gây bụi, ô nhiễm; việc rào chắn vỉa hè che khuất tầm nhìn bên trái làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của gia đình”, ông Mười nói thêm.

Theo ông Mai Phước Thành, Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Đông, sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Mười, ngày 5-2, UBND phường mời đại diện Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, tổ dân phố và các bên liên quan giải quyết, hòa giải.

Theo đó, UBND phường yêu cầu Công ty TNHH Tùng Lâm và ông Mười tự thỏa thuận việc đền bù. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì mời đơn vị thẩm định độc lập đánh giá việc hư hại tài sản để thuận lợi cho việc đền bù thiệt hại do phía Công ty Tùng Lâm gây ra. Đồng thời, UBND phường yêu cầu Công ty Tùng Lâm và đơn vị thi công thực hiện theo đúng giấy phép xây dựng, bảo đảm môi trường.

Theo ông Mười, mặc dù đã có kết luận nêu trên nhưng Công ty TNHH Tùng Lâm không hợp tác xem xét thiệt hại và thỏa thuận đền bù. Ngoài ra, theo ông Mười, việc UBND phường chấp nhận cho thời gian thi công hằng ngày từ 6 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ đến 19 giờ là bất hợp lý. Do đó, ngày 5-3, ông Mười tiếp tục làm đơn kêu cứu khẩn cấp (lần 2) gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết.

Sáng 6-3, trao đổi với phóng viên, ông Lê Công Hùng, người đại diện Công ty TNHH Tùng Lâm khẳng định, trước khi công ty phá dỡ công trình, nhà ông Mười đã có vết nứt. Còn có vết nứt mới hay không thì công ty nhiều lần đề nghị cho quay phim, chụp hình để xác định bồi thường nhưng ông Mười không cho quay và việc yêu cầu đền bù toàn bộ ngôi nhà là không hợp lý.

Cũng trong sáng 6-3, ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu cho biết, đơn vị vừa nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của hộ ông Nguyễn Mười và đã cho kiểm tra toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của chủ đầu tư cũng như quá trình giải quyết của UBND phường.

“Việc công trình xây dựng gây lún, nứt nhà dân thì các bên tiến hành hòa giải, thỏa thuận đền bù thiệt hại theo quy định và chức năng này là của Chủ tịch UBND phường. Nếu phường không thực hiện được thì hướng dẫn các bên ra tòa án theo quy định”, ông Rân cho hay.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.
.