Sau khi toàn bộ đường ngang dân sinh bất hợp pháp trên đường Trường Chinh (đoạn từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm, thuộc quận Cẩm Lệ) bị đóng, không ít người dân tìm cách chui qua rào chắn để sang đường nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
Một số người dân chui qua rào chắn trước số nhà 304 Trường Chinh để sang đường. |
Tuyến đường gom dọc đường sắt từ ngã ba Huế đến Hòa Cầm dài hơn 5km được khánh thành tháng 2-2018 là dự án trọng điểm của thành phố nhằm xác lập hành lang an toàn, xóa bỏ các đường ngang dân sinh, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt.
Tuyến đường trải nhựa sạch sẽ, nằm tách biệt với tuyến đường sắt Bắc - Nam; giữa đường gom và đường sắt được ngăn cách bằng hệ thống tường hộ lan mềm 2 sóng tôn chạy dọc toàn tuyến. Cùng với đó, 5 đường ngang dân sinh không hợp pháp bị đóng lại, trong đó có việc rào lối đi qua đường sắt trước số nhà 304 Trường Chinh.
Chỉ còn 4 đường ngang được phép tồn tại, gồm: đường ngang trước số 464 Trường Chinh; ngã tư Lê Trọng Tấn - Trường Chinh; khu Nghi An và đường vào Kho than miền Trung.
Bà Ngô Thị Vân (trú phường Hòa An) cho biết, bà tán thành việc đóng các đường dân sinh tự phát để hạn chế tai nạn. “Thế nhưng, vào giờ cao điểm, một số người vẫn thường chui qua hàng rào bảo vệ để sang bên kia đường”, bà Vân cho hay.
Ông Nguyễn Hồng Minh (trú tổ 6, phường Hòa An) cũng ủng hộ việc hiến đất để hoàn thành tuyến đường gom sạch sẽ và hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, theo ông Minh, việc rào lối đi qua đường sắt trước số nhà 304 Trường Chinh khiến việc đi lại bất tiện; muốn băng qua đường, người dân phải đi đường vòng. Do đó, ông Minh đề xuất mở lại đường ngang này.
Trao đổi về vấn đề nói trên, bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Hòa An cho biết, việc người dân tự ý chui qua rào sắt để băng sang đường rất nguy hiểm. “Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo chú trọng công tác tuyên truyền, nhắc nhở để bà con nâng cao ý thức và hạn chế chui qua rào chắn, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc”, bà Thủy nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cũng cho biết, việc đóng 5 tuyến đường ngang dân sinh dẫn đến việc đi lại của một số hộ dân có phần bất tiện nhưng quan trọng hơn cả là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố, việc đóng 5 đường ngang dân sinh trên tuyến này là cần thiết nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Vì vậy, đề xuất của người dân về việc mở lại lối đi qua đường sắt trước số nhà 304 Trường Chinh là không hợp lý. “Đường ngang dân sinh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, đến năm 2025 sẽ đóng toàn bộ đường ngang dân sinh, lối đi tự mở qua đường sắt trên cả nước”, ông Cường chia sẻ.
Cũng theo ông Cường, Ban An toàn giao thông thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương có đường sắt đi qua tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành theo quy định của Luật Giao thông: không lấn chiếm hành lang đường sắt; không tự ý mở đường ngang dân sinh; không chui, vượt rào chắn; dừng xe đúng khoảng cách quy định…
Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện trên mạng lưới đường sắt Việt Nam có gần 4.300 lối đi tự mở. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đường sắt của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực từ ngày 1-7-2018 nêu rõ: Đến năm 2025, phải hoàn thành xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở; Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm nếu phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn quản lý. |
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH