Chuyện tổ, chuyện thôn

Ông Quang từ thiện

Nằm khá sâu trong kiệt 98 Nguyễn Duy Hiệu (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), ngôi nhà K98/42 của ông Nguyễn Quang, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư (KDC) 1C, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thiện nguyện 1C cứ đến thứ sáu hằng tuần lại tấp nập, khi các thành viên CLB tập trung đóng hộp các suất ăn miễn phí để chuyển đến bệnh viện, trao tận tay bệnh nhân và người nhà của họ. Tiếng cười nói rôm rả, ai cũng hối hả để những suất ăn được chuyển lên xe đúng giờ.

Gần chục năm qua, gia đình ông Quang là “địa chỉ đỏ” về công tác thiện nguyện, an sinh xã hội. Cứ đến địa bàn phường An Hải Đông, nhắc đến “ông Quang từ thiện” thì hầu như ai cũng biết.

Ông Quang kể, cách đây gần 10 năm, một lần đến Bệnh viện Đà Nẵng, thấy các bệnh nhân và người nhà chờ đợi những suất ăn từ thiện, ông thấy xót lòng. Về nhà, ông bàn bạc với vợ là bà Hồ Thị Hồng Hoa về những trăn trở của mình. Vợ chồng ông quyết định nấu cháo mỗi tuần 4 lần để gửi tặng bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Sau đó, đến khoa Thận, biết bệnh nhân ở đây thường có thời gian điều trị kéo dài nên gặp nhiều khó khăn và tốn kém hơn, vợ chồng ông Quang chuyển sang nấu cơm, mỗi tuần nấu 4 lần, mỗi lần 200 suất. Nhưng cách này không khả thi vì vợ chồng ông không kham nổi việc nấu 800 suất/tuần. Ông chọn cách chỉ nấu 1 lần vào chiều thứ sáu hằng tuần, mỗi lần 400 suất.

“Việc chuyển từ nấu cháo sang nấu cơm xuất phát từ nhu cầu thực tế. Đa số những người đến bệnh viện làm từ thiện đều nấu cháo, số suất cháo rất nhiều, nên mình chuyển sang nấu cơm để đa dạng hóa khẩu phần ăn. Tuy việc nấu cơm vất vả hơn, cần nhiều chi phí hơn, phải vận động các mạnh thường quân chung tay, nhưng có quyết tâm thì làm được”, ông Quang chia sẻ.

Để có kinh phí mua nguyên liệu, thực phẩm, gạo, bảo đảm nấu 400 suất đều đặn, với 5 món ăn/suất, giúp bữa cơm không chỉ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn đủ chất dinh dưỡng, ngoài tiền lương ít ỏi của chính mình, ông Quang phải vận động thêm nhiều người khác. Hiện tại, cứ vào thứ sáu, buổi sáng ông Quang gần như một mình xoay xở nấu cơm từ 8-12 giờ, sau đó bà Hoa kết thúc công việc buôn bán ở chợ thì về nấu thức ăn từ 12-15 giờ. Các thành viên CLB đến đóng hộp, chuyển lên xe mang tới bệnh viện để trao tận tay các bệnh nhân lúc 16 giờ.

Không những thế, trong các lần miền Trung hứng chịu bão lũ, gia đình ông Quang đều tham gia cứu trợ ở những tỉnh bị thiệt hại. Có lần ông ra tỉnh Quảng Trị thăm một cơ sở người khiếm thị, dự định chỉ đi một chuyến với kinh phí trao tặng hơn 60 triệu đồng, về sau ông vận động được thêm kinh phí tương đương nên trở lại địa chỉ này.

Đối với KDC 1C, công tác Mặt trận ở cơ sở luôn đạt thành tích tiêu biểu, điển hình nhất trên toàn phường An Hải Đông, như khẳng định của ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường. KDC 1C hiện chỉ còn 2 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt là người già mất sức lao động, có con nhỏ đi học. Hằng năm, CLB Thiện nguyện 1C đều trao quà đối với những trường hợp khó khăn ở phường. Ngoài ra, 2 sinh viên ở phường có nguy cơ bỏ học vì gia cảnh khó khăn cũng được CLB cấp học bổng mỗi tháng 300.000 đồng mỗi em.

Với những đóng góp cho cộng đồng, vợ chồng ông Quang là những gương điển hình “người tốt, việc tốt”, được Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà biểu dương, khen thưởng. Ông Quang nói rằng, chỉ cần còn sức khỏe và được các mạnh thường quân tin tưởng, chung tay thì sẽ luôn duy trì những hoạt động như thế để mang lại một chút ấm áp cho cuộc sống.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.