Qua đơn - thư bạn đọc

Ô nhiễm khu vực cầu Mân Quang

.

Báo Đà Nẵng nhận được phản ánh của các hộ dân sống tại khu chung cư dành cho người thu nhập thấp ở cuối tuyến đường Hồ Hán Thương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) về tình trạng rác thải sinh hoạt tấp vào khu vực bờ kè chạy dọc từ góc ngã tư đường Hồ Hán Thương - Lê Đức Thọ đến chân cầu Mân Quang, trông nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Rác thải sinh hoạt tấp đầy bờ kè, đoạn đường Hồ Hán Thương - Lê Đức Thọ (ảnh chụp ngày 23-7).
Rác thải sinh hoạt tấp đầy bờ kè, đoạn đường Hồ Hán Thương - Lê Đức Thọ (ảnh chụp ngày 23-7).

Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực bờ kè nói trên, rác thải sinh hoạt, túi ni-lông, các mảnh xốp… nổi lềnh bềnh trên mặt nước trước khi tấp vào bờ. Bà Võ Thị Ba (tổ 90, phường Nại Hiên Đông) cho biết, mỗi sáng, bà có thói quen đi bộ thể dục dọc theo tuyến đường Hồ Hán Thương, Lê Đức Thọ đến Yết Kiêu (quận Sơn Trà) và nhận thấy tình trạng rác thải sinh hoạt từ thuyền ngư dân trú ngụ trong khu vực Âu thuyền Thọ Quang tấp vào bờ kè khá nhiều.

Theo bà Ba, thỉnh thoảng UBND quận Sơn Trà tổ chức ra quân dọn vệ sinh, khu vực này sạch sẽ được vài ngày rồi đâu lại vào đó. “Ngoài vấn đề ô nhiễm, thời gian gần đây, trên tuyến đường Lê Đức Thọ, Hồ Hán Thương, có khá nhiều xe du lịch chở khách lưu thông. Nếu không có biện pháp gìn giữ môi trường, cảnh quan, khu vực này rất dễ để lại “điểm trừ” trong lòng du khách”, bà Ba nói. 

Được biết, cùng với đề án Mở rộng, nâng cấp cảng cá Thọ Quang của UBND thành phố được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 4457/QĐ-BNN-TCTS ngày 28-10-2016, giai đoạn 2017-2020, Cảng cá Thọ Quang được đầu tư phát triển thành trung tâm kinh tế kết hợp với du lịch, trong đó đặc biệt chú ý khâu vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Từ cú hích này, Đà Nẵng đã tiến hành lắp đặt 18 camera quan sát, làm mới 2 nhà vệ sinh tự hoại, mua bổ sung 100 thùng rác và 300 sọt rác đặt tại các vị trí cần thiết để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực xung quanh chân cầu Mân Quang, những cơ sở vật chất này vẫn chưa được lắp đặt, dẫn đến rác thải sinh hoạt vẫn xuất hiện nhiều ở khu vực bờ kè.

Bình quân mỗi ngày, Âu thuyền Thọ Quang tiếp nhận từ 50-60 tàu cập cảng, chưa kể hàng trăm tàu thuyền neo đậu thường xuyên. Để xử lý và hạn chế việc phóng uế, xả rác thải sinh hoạt một cách vô tội vạ, Ban quản lý (BQL) Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã thành lập đội Môi trường với 14 thành viên, đồng thời thành lập Tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường với sự tham gia của các tiểu thương, bà con ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Phó trưởng BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang Ngô Văn Cát cho biết, bên cạnh rác thải sinh hoạt được vứt xuống từ các thuyền cá, một trong những nguyên nhân gây nên quang cảnh nhếch nhác tại khu vực cầu Mân Quang là do các mảnh vụn thùng xốp rơi vãi từ thuyền cá trong quá trình vận chuyển, sơ chế, đóng gói hải sản, theo dòng nước tấp vào bờ kè.

“BQL đã yêu cầu 100% tàu thuyền, hộ dân buôn bán hải sản tại khu vực ký cam kết không phóng uế, vứt rác thải sinh hoạt, chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, do nhiều tàu thuyền neo đậu qua đêm với phần đông người lao động ở lại, nghỉ ngơi trên tàu nên rất khó quản lý việc xả rác thải xuống dòng nước.

Thời gian tới, BQL sẽ tiếp tục phối hợp với UBND quận Sơn Trà tăng cường tuyên truyền, kêu gọi ngư dân chấp hành những quy định về bảo vệ môi trường tại cảng cá cũng như khu vực chân cầu Mân Quang”, ông Cát nói.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.