Kênh hở Phần Lăng gây ô nhiễm: Không thể xử lý dứt điểm?

.

Người dân sống dọc hai bên kênh hở Phần Lăng (phường An Khê, quận Thanh Khê) thường xuyên phản ánh về tình trạng ô nhiễm của dòng kênh này.

Năm 2016, UBND thành phố giao cho Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên điều hành, thi công công trình thu gom nước thải sinh hoạt dọc tuyến kênh hở này. Thế nhưng, công trình hiện chậm tiến độ, chưa kể khi hoàn thành vẫn không thể xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm.

Kênh hở Phần Lăng ô nhiễm nhiều năm nay.
Kênh hở Phần Lăng ô nhiễm nhiều năm nay.

Ông L.T.D (sống dọc tuyến đường An Xuân 1, phường An Khê) cho biết, dòng nước trong lòng kênh Phần Lăng luôn có màu đen, mùa mưa đỡ bốc mùi hôi thối, nhưng ngớt mưa thì có hiện tượng nước bốc hơi nên có mùi hôi phả vào nhà các hộ dân. Còn mùa khô, nước cặn lại, bốc lên theo chiều gió rất hôi thối.

“Chúng tôi phải đóng cửa suốt ngày, nhất là khi chiều gió phả theo hướng nhà mình. Tình trạng này kéo dài bao năm qua nhưng không có cơ quan chức năng nào xử lý để bảo đảm cuộc sống trong lành cho người dân. Mới đây, công trình thu gom nước thải sinh hoạt được thi công nhưng tiến độ quá chậm, kéo dài nhiều năm không xong, gây nước ứ đọng càng thêm ô nhiễm”, ông D. nói.

Bà N.T.H (ở trên đường Nguyễn Đình Tựu, phường An Khê) bán cà-phê giải khát buổi sáng, gặp hôm thuận gió hướng đông thì việc buôn bán của bà cũng thuận lợi, khi gió ngược lại thì khách không thể ngồi quá 15 phút.

“Đường rộng, vỉa hè thoáng, nhưng mùi hôi từ kênh hở bốc lên không chịu được”, bà H. phản ánh. Nhà bà H. chuyển về sống trên đường Nguyễn Đình Tựu từ nhiều năm nay nên chứng kiến và chịu đựng mùi hôi ô nhiễm từ kênh hở Phần Lăng. Cả bà H. lẫn ông D. đều cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Theo ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thành phố, tình trạng ô nhiễm kênh hở Phần Lăng được ghi nhận từ nhiều năm qua. Nguyên nhân do nguồn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân sống khu vực chung quanh thải ra và nước thải từ khu vực sân bay đổ xuống, rồi hợp dòng đổ ra sông Phú Lộc.

“Công trình thu gom nước thải dọc kênh hở Phần Lăng hiện thi công chưa xong. Chúng tôi đã kiến nghị đơn vị điều hành dự án đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao cho công ty vận hành nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm khu vực này”, ông Mai Mã nói.

Ông Trần Nguyễn Công Long, Phó phòng Kỹ thuật, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho biết, tên gọi đầy đủ của dự án nói trên là “Xây dựng hệ thống thu gom nước thải bao quanh hồ Phần Lăng, tuyến cống bao thu gom và trạm bơm nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành”.

Công trình này bắt đầu được thi công từ khoảng giữa đầu năm 2016, thời hạn hoàn thành 18 tháng kể từ ngày thi công. Đối với khu vực Phần Lăng, xây dựng 2 tuyến cống hai bên để thu gom nước thải dọc kênh hở, tách nước thải đưa về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc; chiều dài bắt đầu từ đường Nguyễn Công Hãn kéo đến đường Điện Biên Phủ. Đến đầu năm 2018, công trình cơ bản hoàn thành 98%. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 126 tỷ đồng, nguồn vốn vay (80%) từ Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của thành phố (20%).

Tháng 2-2018, thành phố tiếp tục điều chỉnh dự án, bổ sung phụ lục hợp đồng bao gồm nạo vét kênh hở đoạn từ đường Hồ Tương đến đường Cù Chính Lan, nạo vét lòng cống đi dưới đường Điện Biên Phủ, nạo vét hồ 2ha (hồ Bàu Trảng), làm cống hộp đoạn từ đường Cù Chính Lan đến đường Điện Biên Phủ (trên cống làm công viên vườn dạo).

Tổng mức đầu tư theo phụ lục hợp đồng là 9 tỷ đồng. Hiện phụ lục hợp đồng trong quá trình hoàn thành các thủ tục theo quy định. “Dự kiến đến ngày 31-12-2018, toàn bộ công trình hoàn thành và bàn giao cho đơn vị vận hành sử dụng. Tuy nhiên, nếu gặp thời tiết bất lợi sẽ phải kéo dài thời gian thi công thêm ít nhất 1-2 tháng. Chỉ khi công trình hoàn thành thì mới vận hành sử dụng được”, ông Long nói.

Điều đáng nói, cả ông Long và ông Mã đều khẳng định, dù công trình được đầu tư 126 tỷ đồng nói trên đi vào vận hành nhưng cũng chỉ giải quyết một phần tình trạng ô nhiễm kênh hở Phần Lăng, do chỉ thu gom nước thải sinh hoạt của khu dân cư khu vực xung quanh đổ ra kênh Phần Lăng; còn với nước thải từ khu vực sân bay đổ ra (lưu lượng lớn) thì không thể can thiệp, xử lý.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.
.