Rác thải: Bạ đâu vứt đó!

.

Hiện nay, rác vẫn tồn đọng trên nhiều tuyến đường, tạo hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Một phần nguyên nhân do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, bạ đâu vứt rác đó, một phần do bất cập trong tổ chức thu gom rác thải.

Rác tràn trên đường Bùi Dương Lịch, quận Sơn Trà. Ảnh: TRỌNG HUY
Rác tràn trên đường Bùi Dương Lịch, quận Sơn Trà. Ảnh: TRỌNG HUY

Rác tồn đọng trên nhiều tuyến đường

Thời gian gần đây, dọc hai bên bờ sông Hàn, khu vực có trồng cây xanh cảnh quan, các loại rác thải như hộp xốp, túi ni-lông, vỏ lon bia và nước ngọt, vỏ chai, giấy báo các loại xuất hiện khá nhiều. Anh Nguyễn Việt Hùng, một tài xế taxi cho biết, anh thường xuyên nghe du khách phàn nàn về tình trạng nhếch nhác ở bờ sông Hàn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố du lịch.

Trong khi đó, ông Trần Văn Nga (sống tại khu dân cư Bá Tùng mở rộng, quận Ngũ Hành Sơn) làm nghề chài lưới trên sông Hàn phản ánh một thực tế khác. Ông Nga cho hay, hiện nay, khu vực đường Chương Dương tiếp giáp ra bờ sông Hàn - đoạn ngang qua phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) bị ô nhiễm khá nặng.

Thỉnh thoảng khi chèo ghe đánh cá, ông thấy một số người mang rác vứt xuống sông khiến dọc bờ sông Hàn nổi lềnh bềnh chai lọ, hộp xốp, túi nhựa... Mỗi khi trên sông xuất hiện bèo nổi, rác lẫn trong thân bèo trôi dạt về khu vực trung tâm thành phố.

Trên địa bàn quận Hải Châu, 50 thùng rác phân loại rác thải thông minh có các chức năng kèm theo gồm: sạc pin, trồng cây, phản quang ban đêm, do Công ty TNHH Kinh doanh lốp xe Bridgestone Việt Nam tài trợ từ năm 2017 được bố trí tại nhiều địa điểm, trong đó có tuyến đường Bạch Đằng, khu vực dọc sông Hàn từ cầu Sông Hàn đến chân cầu Tiên Sơn nhằm thu gom rác thải du lịch của du khách, người dân… Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, thùng rác nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Bà Trần Thị Hồng, buôn bán tại chân cầu Sông Hàn nói: “Khu vực này có khá nhiều điểm ăn uống vặt, khách có thể ngồi ăn tại chỗ hoặc mua mang đi, vừa ăn vừa tản bộ bờ sông Hàn. Nhưng không mấy thanh niên ăn xong bỏ hộp xốp, ly nhựa hoặc túi bóng vào thùng rác mà ngồi đâu vứt đó, rác theo gió lại bay thẳng ra mặt sông hoặc vướng vào mấy bụi cây ven bờ gây ô nhiễm”.

Ở quận Sơn Trà, ông Nguyễn Minh (khu vực Nại Hưng, phường Nại Hiên Đông) bức xúc về tình trạng người dân vứt rác thải tùy tiện, bừa bãi, dẫn đến phát sinh ô nhiễm tại khu vực này. Ông Nguyễn Văn Hưng (sống trên đường Bùi Dương Lịch) cũng phản ánh tình trạng điểm trung chuyển rác thải tại chợ Nại Hiên Đông gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm lòng lề đường, có một phần nguyên nhân do ý thức của một bộ phận người dân.

“Ở đây có nhà chứa rác nhưng bỏ không. Thùng rác và rác thải chiếm vỉa hè, tràn xuống lòng đường. Rác chợ và rác từ các chung cư xả ra, rác các nơi được công nhân thu gom kéo về chờ xe đến nâng ép… nhiều vô kể.

Người ta không đưa rác vào nhà chứa rác xây sẵn, mà để rác tràn ra ngoài. Người dân vứt rác tùy tiện, công nhân thu gom không muốn đưa rác vào nhà chứa rác vì bất tiện cho việc chuyển ra để xe đến nâng ép”, ông Hưng nói.

Anh Nguyễn Tuấn H., hướng dẫn viên du lịch thường dẫn các đoàn khách Hàn Quốc cho hay, du khách Hàn rất có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nhưng trên đường phố Đà Nẵng hiện không chỉ tồn tại nhiều điểm rác thải bừa bãi, mà cả những mẩu rác, giấy, túi ni-lông, vỏ lon… cũng được vứt trên đường, trên vỉa hè, ở các gốc cây. “Việc vứt rác bừa bãi làm hình ảnh một thành phố du lịch bị mất điểm trong cái nhìn của du khách”, anh H. nói.

Cần chế tài mạnh đối với người xả rác không đúng quy định

Mới đây, trước phản ánh của người dân về tình trạng rác thải ở khu vực đường Chương Dương tiếp giáp ra bờ sông Hàn, đoạn ngang qua phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), UBND phường đã thuê xe múc, xe tải dọn dẹp. Đồng thời, lãnh đạo phường yêu cầu các lực lượng liên quan thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý cũng như nhắc nhở các hộ dân không vứt rác bừa bãi, không đúng nơi tập kết.

Đối với địa bàn quận Hải Châu, phường Thuận Phước là 1 trong 2 phường được chọn thí điểm phân loại rác thải đầu nguồn (cùng với phường Thạch Thang). Bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho biết, phường có hơn 30 tuyến đường lớn nhỏ liên cư, liên địa, nhưng chỉ có 3 tuyến đường được thành phố hợp đồng với ngành môi trường để quét dọn rác, còn lại thì người dân phải thực hiện.

Vì vậy, ngay từ đầu năm, phường xây dựng kế hoạch về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng phường thân thiện môi trường, hằng tháng tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thực hiện nghiêm túc “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”.

“Việc phân loại rác thải đầu nguồn được người dân trên địa bàn phường thực hiện từ lâu, vừa bảo vệ môi trường, vừa thu lợi để phục vụ an sinh xã hội tại các khu dân cư và không ngừng nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn nếp sống văn minh đô thị, nhất là khi Đà Nẵng đang xây dựng thành phố môi trường”, bà Hà nói.

Tại khu vực bờ sông Hàn, UBND quận Hải Châu đã lắp đặt thêm nhiều thùng rác. Trong quá trình triển khai lắp đặt, bố trí đưa vào sử dụng thùng rác, UBND quận đã khảo sát kỹ lưỡng vị trí phù hợp cũng như giao trách nhiệm UBND các phường, các xí nghiệp môi trường Hải Châu 1, 2 chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý theo địa bàn.

Với các thùng rác xuống cấp, hư hỏng, lực lượng chức năng tiến hành thu gom, vệ sinh, sửa chữa để duy trì hiệu quả sử dụng và tiếp tục tuyên truyền người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Theo ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, nếu người dân chưa thực sự ý thức được việc mình làm, câu chuyện ô nhiễm sẽ khó có thể giải quyết dứt điểm.

Song, một cán bộ UBND quận Sơn Trà cho rằng, bên cạnh việc trách người dân thiếu ý thức trong việc xả rác thải tràn lan, cần nhìn nhận thấu đáo về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt. Theo đó, cần có giải pháp căn cơ, từ công tác quy hoạch bãi đổ rác, xử lý rác thải dài hạn đến quy trình thu gom rác, các điểm quy hoạch trung chuyển rác thải.

Bên cạnh đó, phía đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phải bảo đảm cơ sở vật chất để thực hiện từ việc thu gom, vận chuyển, xử lý đến tiền lương cho công nhân lao động xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Giải quyết triệt để các yếu tố trên rồi hãy nói đến ý thức của người dân. Ý thức là thói quen nhiều lần mà thành. Khi bảo đảm điểm, thùng tập kết rác; thu gom đúng, đủ, hợp lý thì có chế tài mạnh đối với những người thiếu ý thức.

Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, phường Thuận Phước đã thu trên 100 triệu đồng từ việc phân loại rác thải đầu nguồn. Có 100% số hộ dân thực hiện phân loại rác thải, 80% số người dân tham gia ủng hộ quỹ an sinh xã hội cho khu dân cư từ nguồn thu phân loại rác thải.

 

* Bà Nguyễn Thị Nam Hồng (tổ 31, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu): Người trẻ cần có ý thức giữ vệ sinh môi trường

Mỗi ngày, tôi đều đặn xách bao đi thu nhặt rác thải sinh hoạt, túi ni-lông rơi vãi trên các con phố thuộc tổ 31. Đây là công việc quen thuộc của tôi, không mất nhiều thời gian nhưng góp phần làm con đường, khu phố sạch, đẹp hơn.

Trong khi những người già như chúng tôi ý thức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường thì cũng mong những người trẻ luôn có ý thức như vậy, nhất là tại các khu vực công cộng, để thành phố mình đẹp hơn.

* Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours): Giữ vệ sinh điểm đến, góp phần xây dựng thành phố môi trường.

Thời gian qua, phần lớn du khách đến Đà Nẵng theo tour đều có ý thức gìn giữ môi trường tại điểm đến. Việc xả rác nếu có chỉ rơi vào những dòng khách đến từ “tour 0 đồng” bởi họ thường đi số lượng đông cộng với ý thức kém nên việc quản lý rất khó.

Bên cạnh đó, mỗi hướng dẫn viên (HDV) khi hành nghề đều có trách nhiệm phổ biến cho du khách biết việc cần giữ gìn vệ sinh môi trường trong quá trình tham quan, di chuyển. Đây là nội dung được đưa vào giảng dạy tại các lớp đào tạo HDV do Tổng cục Du lịch tổ chức.

Riêng đối với Vitours, việc yêu cầu khách giữ vệ sinh điểm đến, không xả rác trong quá trình tham quan là nội dung bắt buột khi HDV dẫn đoàn, từ đó góp phần gìn giữ môi trường du lịch của thành phố cũng như xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường. 

TRỌNG HUY - TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.
.