Hàng quán vỉa hè: Cần bảo đảm vệ sinh

.

Không khó để thấy khu vực “hậu cần” một quán ăn vỉa hè với la liệt chén đĩa, muỗng, đũa nằm chung trong những thau nước nổi đầy dầu mỡ và được rửa sơ sài. Người mua đôi khi nhìn thấy cách rửa chén đĩa này cũng ái ngại, nhưng vì sự tiện lợi, giá thành rẻ mà nhắm mắt làm ngơ. Không những thế, có hàng quán nằm gần điểm tập kết rác; có quán nằm ở khu vực đầy bụi…

Hàng quán vỉa hè khá hấp dẫn nhưng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Hàng quán vỉa hè khá hấp dẫn nhưng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ngã tư Trần Thánh Tông - Trần Nhân Tông (quận Sơn Trà) là địa chỉ một số quán ốc, bánh tráng kẹp, cóc, xoài chấm ruốc. Phần vỉa hè rộng trở thành nơi chế biến, xào nấu tạm bợ của các quán ăn này. Trần Thánh Tông là đường hai chiều, rộng 33 mét, có khá nhiều xe cộ lưu thông, cách ngã tư không xa là một số thùng rác luôn trong tình trạng ngập ứ.Dù vậy, đây vẫn là địa chỉ được các “tín đồ” ăn vặt lui tới.

Buổi tối, tại khu vực bờ đông cầu Sông Hàn, theo quan sát của chúng tôi, có không dưới 10 quán ăn vỉa hè bán thực phẩm chiên rán, ốc hút, mực nướng, mít trộn… Khu vực này thu hút hàng trăm gia đình đưa con nhỏ đến vui chơi, giải trí mỗi tối; các loại xe đồ chơi chạy bằng điện mặc sức dọc ngang, tung bụi. Vài ông bố, bà mẹ mua cho con mình một số xiên que chiên, nướng, trong khi bản thân họ cũng vui vẻ thưởng thức món ốc, mít trộn. Người bán cho những xiên que đã chuẩn bị sẵn vào chảo dầu được dùng nhiều lần. Sau mỗi lần chiên, lớp dầu cũ được tiếp tục sử dụng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thức ăn nhanh đang chiếm lĩnh thị trường món ăn đường phố, đơn cử như hamburger, hotdog, pizza, khoai tây chiên, gà rán, snack… Bà Trịnh Ngọc Như Quỳnh, công tác tại Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố cho biết, ngoài những vấn đề về sức khỏe như tăng nguy cơ gây ung thư, các bệnh về đường tiêu hóa, ảnh hưởng làn da thì thức ăn nhanh (đặc biệt được chế biến tại một số quán ăn vỉa hè) dễ gây ngộ độc thực phẩm bởi nguyên liệu chủ yếu từ nguồn đông lạnh, thiếu các thành phần vi lượng và khoáng chất. Chưa kể không bảo đảm an toàn trong khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, việc sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và dụng cụ chứa đựng cũng khó đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh…

Thông tin từ BQL ATTP thành phố cho biết, qua thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 1.000 quán ăn vỉa hè, chủ yếu tập trung ở các quận Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà… Theo ông Phan Trình, Trưởng phòng Y tế quận Liên Chiểu, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành quận Liên Chiểu, từ đầu năm đến nay, đoàn đã tiến hành kiểm tra hơn 400 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có khá nhiều hàng quán vỉa hè chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về ATTP. “Hiện nay, nhiều quán ăn vỉa hè không đáp ứng khu vực vệ sinh, rửa dọn chén đĩa, dụng cụ cũ kỹ, đầu bếp không mang bao tay trong quá trình chế biến món ăn, thực phẩm được bảo quản sơ sài, thùng đựng rác chưa có nắp đậy. Với những quán này, đoàn yêu cầu chủ quán viết giấy cam kết cũng như tham gia tập huấn kiến thức ATTP, tăng cường vệ sinh hàng quán và các dụng cụ chế biến”, ông Trình nói.

Theo quy định hiện hành, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ chỉ có 2 lao động trở xuống trực tiếp tham gia sản xuất thì không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đối với những cơ sở này, việc kiểm tra, giám sát gặp không ít khó khăn do không nằm trong danh sách quản lý của cơ quan chức năng, chưa kể nhiều quán ăn vỉa hè còn buôn bán theo kiểu “nay đây mai đó”... Ngoài ra, phần lớn hộ buôn bán vỉa hè có hoàn cảnh kinh tế khó khăn khiến cơ quan chức năng đôi khi ngại ra quyết định xử phạt.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố cho biết, để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đơn vị thường xuyên phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, chợ trên địa bàn thành phố. “Đối với các hàng quán vỉa hè, BQL ATTP đề nghị địa phương tăng cường quản lý, giao về cho các hội, đoàn thể giám sát, vận động chủ quán sử dụng nguồn nguyên liệu an toàn, bảo đảm vệ sinh trong quá trình chế biến. Điều quan trọng hơn cả là tạo thói quen cho người dân trong việc chăm chút từng món ăn đường phố, xem đó là cách lôi kéo khách hàng cũng như mang lại hiệu quả trong kinh doanh”, ông Hải nhấn mạnh.

Bài và ảnh: H.LÊ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.