Nan giải xử lý trâu, bò thả rông trong phố

.

Tình trạng trâu, bò thả rông trong phố tồn tại suốt thời gian dài, gây ra nhiều hệ lụy, nhưng đến nay chính quyền và các cơ quan chức năng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

Trâu thả rông cạnh Công viên Châu Á, thuộc quận Hải Châu.
Trâu thả rông cạnh Công viên Châu Á, thuộc quận Hải Châu.

Ông Huỳnh Văn T. ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, suốt thời gian dài, khu đất trống nằm giữa đường Nguyễn Khắc Viện và đường Trường Sa, có rất nhiều bò của người dân chăn thả rông. Nhiều lần bò còn vào phá vườn nhà dân khu vực lân cận, ăn rau tại khu vực một số nhà dân trên tuyến đường Nguyễn Xiển.

Tình trạng bò thả rông ra giữa đường gây mất an toàn giao thông thường xuyên xảy ra. Đáng nói là bò phóng uế ra đường gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông.

“Bây giờ lên phố hết rồi, đất nông nghiệp chỉ rải rác vùng ven, cũng không còn đất trống rộng rãi để chăn thả trâu, bò nữa. Tình trạng trâu, bò thả rông như trên không còn chấp nhận được nữa, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý dứt điểm để bảo đảm mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, không còn cảnh “dở quê, dở phố” vì tình trạng bò thả rông như hiện nay nữa”, ông T. nói.

Qua tìm hiểu, từ năm 2006, UBND thành phố đã có quy định cấm nuôi thả gia súc, gia cầm khu vực nội thị, đồng thời quy định mức xử phạt hành vi thả rông trâu bò. Nhưng được biết, việc xử phạt này không bảo đảm tính răn đe, chưa kể nhiều chủ trâu, bò khi biết trâu, bò bị bắt thì né tránh, để lâu ngày buộc chính quyền phải thả ra vì sợ trâu, bò chết.

Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cho biết, tình trạng bò thả rông ở phường Khuê Mỹ diễn ra nhiều năm nay: “Chúng tôi tăng cường xử lý bằng hình thức bắt, nhốt và xử phạt chủ trâu, bò. Nhưng mức phạt thấp, chưa kể chủ đàn bò trốn phạt lâu ngày, buộc phường cũng phải thả trâu, bò ra, vì sợ chết; một phần vì không có người trực tiếp chăm, giữ trâu, bò, không có chuồng chuyên nhốt, giữ khi bắt về xử lý”.

Năm 2018, phường Khuê Mỹ xử lý nhiều đợt đàn bò thả rông gây ảnh hưởng nhà dân, mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị. Nhưng quá trình bắt nhốt, giữ đàn bò, đã có 3 con bò lần lượt chết buộc phường phải bồi thường, bình quân mỗi con 15 triệu đồng.

“Chúng tôi cũng từng chở bò thả rông lên xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) để gửi trang trại nuôi giữ, nhưng sau vài lần đầu, chủ trại họ không nhận nữa vì sợ bò bị chết, không đủ tiền đền. Phạt đâu chưa thấy, việc bò bị chết, phường phải đền bù đã cho thấy sự bất cập khó giải quyết”, ông Lê Tấn Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Huỳnh Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, trước đây phường Hòa Hải không nằm trong vùng quy định cấm thả rông trâu, bò vì vẫn còn vùng nông nghiệp, nông thôn. Nhưng hiện nay, phường Hòa Hải đã đô thị hóa phủ khắp, việc thả rông trâu, bò không còn phù hợp. “UBND phường đã tích cực xử lý tình trạng bò thả rông, nhưng phải thừa nhận là không thể dứt điểm.

Nguyên nhân có nhiều yếu tố, nhưng cơ bản do chế tài xử phạt quá nhẹ, chỉ quy định hành vi vi phạm, không quy định số lượng bò vi phạm. Nếu xử phạt kịch trần theo quy định, cũng không quá 600.000 đồng cho một hành vi thả rông bò (thả 1 con cũng phạt 600.000 đồng, thả đàn bò 100 con cũng chỉ phạt 600.000 đồng).

Trong khi phường phải huy động lực lượng, phương tiện, kinh phí để bắt và vận chuyển bò lên xã Hòa Khương để gửi giữ, chưa kể nguy cơ bò bị chết cũng sẽ phải đền bù với số tiền lớn”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, để giải quyết dứt điểm là cần phải tăng hình thức xử phạt, có giải pháp mạnh tay về các hình thức xử lý vi phạm. Điều này phải được HĐND thành phố thông qua để có cơ sở cho các địa phương thực hiện, nếu không, rất khó để giải quyết triệt để bất cập này.

Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, quận đã chỉ đạo các địa phương tăng cường xử lý dứt điểm tình trạng trâu, bò thả rông nhưng vẫn chưa hiệu quả. Qua tìm hiểu, tình trạng trâu, bò thả rông trên phố còn xuất hiện ở quận Hải Châu, Liên Chiểu... Đã đến lúc thành phố và các cơ quan chức năng cần có giải pháp thay thế; đồng thời tăng cường mức xử phạt hoặc quy hoạch, khoanh vùng chăn nuôi vừa bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.