Nhếch nhác những vựa ve chai giữa phố

.

Không chỉ tạo cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, những vựa ve chai giữa phố còn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất an toàn giao thông, thậm chí có nguy cơ xảy ra cháy nổ…

Cơ sở thu mua phế liệu số 4 đường Bình Than, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) để tràn phế phẩm ra tới lòng đường.
Cơ sở thu mua phế liệu số 4 đường Bình Than, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) để tràn phế phẩm ra tới lòng đường.

Tại số 83 Xuân Diệu, phường Thuận Phước (quận Hải Châu), cơ sở thu mua phế liệu của bà Nguyễn Thị Thanh Phương luôn trong tình trạng quá tải. Giấy vụn, sắt thép, chai nhựa, các loại lon, bìa cạc-tông được chất thành đống từ trong nhà ra tới mép đường. Thậm chí, khi có người chở phế liệu tới bán, bà Phương còn mang bàn cân ra đặt dưới lòng đường để thuận tiện giao dịch.

Ông N.V.H, nhà ở đường Xuân Diệu cho biết, từ năm 2017 đến nay, ông đã nhiều lần phản ánh với cơ quan chức năng về tình trạng thu mua, tập kết phế liệu gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm lòng, lề đường, gây mất mỹ quan đô thị tại cơ sở của bà Phương.

Sau đó, UBND phường Thuận Phước cử cán bộ đến tuyên truyền, vận động hộ bà Phương nhanh chóng chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi khu dân cư (KDC) nhưng đến nay vẫn không có động tĩnh. “Không chỉ tác động xấu đến môi trường, cảnh quan đô thị, cơ sở thu mua phế liệu còn có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Sống gần mấy cơ sở này, tôi nơm nớp lo sợ. Tôi mong chính quyền nhanh chóng có biện pháp yêu cầu hộ gia đình di dời ra khu vực thông thoáng, an toàn hơn”, ông H. nói.  

Chủ tịch UBND phường Thuận Phước Lê Thị Thuận cho biết, năm 2017, khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, UBND phường đã cử lực lượng đến nhà tuyên truyền, vận động hộ bà Phương chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi KDC. Trong thời gian chờ di dời đến địa điểm mới, UBND phường yêu cầu bà Phương không lấn chiếm vỉa hè khi thu mua phế liệu, dọn vệ sinh sạch sẽ khu vực kinh doanh.

Tuy nhiên, theo bà Thuận, cơ sở kinh doanh này đã có giấy chứng nhận kinh doanh số 32A8027904 do UBND quận Hải Châu cấp ngày 16-5-2018. Do đó, việc kiểm tra, xử lý cần có sự phối hợp liên ngành, các bộ phận liên quan về trật tự vỉa hè, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự.

UBND phường đã có văn bản gửi Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Hải Châu báo cáo tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn phường nhằm thống nhất biện pháp xử lý. Đối với việc di dời cơ sở ra khỏi KDC, thành phố cần bố trí khu vực phù hợp với điều kiện kinh doanh của cơ sở.

Tại địa bàn phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu), ông Thái Đình Thống, chủ cơ sở kinh doanh phế liệu ở K51/5 Phạm Ngũ Lão, phân trần: “Thời gian đầu, chúng tôi chỉ mua đi bán lại, nhanh chóng giải quyết hàng tồn tại cửa hàng. Theo thời gian, việc kinh doanh thuận lợi, chúng tôi đã cầm cố ngôi nhà đang ở để vay tiền ngân hàng, mua thêm nhiều phế phẩm. Nay muốn dời đi cũng khó vì gia đình chưa tìm được nơi để tập kết hàng hóa và ảnh hưởng đến việc kinh doanh, trả nợ ngân hàng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn quận Hải Châu có gần 50 cơ sở kinh doanh phế liệu nhưng chỉ gần 10 hộ có giấy phép hoạt động. Đối với những cơ sở còn lại, UBND quận Hải Châu chủ trương không cấp phép đăng ký kinh doanh, yêu cầu di dời ra khỏi địa bàn KDC.

Đặc điểm của các điểm thu mua phế liệu không phép là nằm sâu trong kiệt, hẻm, diện tích nhỏ hẹp, nếu xảy ra sự cố cháy nổ, công tác chữa cháy sẽ rất khó khăn. Thời gian qua, UBND quận Hải Châu đã yêu cầu các phường rà soát, báo cáo cụ thể để có biện pháp xử lý đồng bộ.

Quận Sơn Trà cũng tồn tại nhiều cơ sở thu mua phế liệu, nằm sâu trong địa bàn KDC. Đơn cử, tại số 4 Bình Than, phường Thọ Quang, phế liệu (chủ yếu sắt, thép thải ra từ tàu biển với kích thước lớn) được chủ vựa thu mua để tràn từ trong nhà ra tới mép đường. Dưới lòng đường, một chiếc cân luôn được để sẵn, người bán chỉ cần mang hàng tới cân rồi nhắn qua chủ vựa đến lấy...

Cũng tại phường Thọ Quang, cơ sở thu mua phế liệu Trung Lài sử dụng 3 lô đất tái định cư đường Mân Quang 3 (gần trụ sở Công an phường) để tổ chức thu mua phế liệu, dùng máy ép vỏ lon bia thành cục. Ông Nguyễn Văn Tịnh sống gần đó cho biết, hoạt động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm hỏng mặt đường mà còn thường xuyên gây ách tắc giao thông, nhiều người chạy xe ngang qua đây bị thủng lốp do các mảnh kim loại sắc nhọn cơ sở này để lại trong quá trình bốc dỡ phế liệu.

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho hay, ngày 10-7 vừa qua, UBND phường đã làm việc với chủ cơ sở thu mua phế liệu Trung Lài, yêu cầu chủ cơ sở cam kết không tập kết phế liệu trên vỉa hè và dưới lòng đường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Ngày 8-7, phường cũng làm việc với bà Nguyễn Thị Minh, chủ một vựa ve chai trên đường Võ Duy Ninh, yêu cầu hộ này làm thủ tục đăng ký kinh doanh, cam kết phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và không để phế liệu trên vỉa hè. “Tinh thần của phường là tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành những quy định khi kinh doanh phế phẩm, tránh gây ô nhiễm môi trường, tạo sự nhếch nhác tại cơ sở kinh doanh”, ông Công nói.

Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 500 điểm thu mua phế liệu. Phần lớn các cơ sở này nằm trong KDC nên có nguy cơ cháy nổ; bột giấy, rỉ sắt theo gió bụi lẫn vào không khí gây ô nhiễm môi trường, chưa kể việc hư hại lớp gạch vỉa hè, lòng đường nếu vật liệu tập kết trong một thời gian dài.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.