Rác ùn ứ trên nhiều tuyến đường

.

Hiện nay, rác thải vẫn ùn ứ nhiều ngày trên nhiều tuyến đường và khu dân cư, gây cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, người dân bức xúc. Trong khi đó, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho rằng, đơn vị đã sử dụng hết nhân công vào việc thu gom rác nhưng vẫn không xuể, bởi lượng rác thải mỗi ngày mỗi tăng.

Trên đường Đỗ Anh Hàn ngay tại điểm UBND phường An Hải Bắc đặt biển cấm, từ  một đống rác nhỏ, sau thời gian không dọn dẹp, trở thành bãi rác lớn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và hình ảnh đô thị.
Trên đường Đỗ Anh Hàn ngay tại điểm UBND phường An Hải Bắc đặt biển cấm, từ một đống rác nhỏ, sau thời gian không dọn dẹp, trở thành bãi rác lớn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và hình ảnh đô thị.

Đổ rác bất chấp biển cấm

Qua ghi nhận thực tế tại một số tuyến đường, khu dân cư các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn… cho thấy, rác thải sinh hoạt vẫn ứ đọng nhiều ngày, chưa được thu gom. Chẳng hạn, tại khu vực kiệt 187 Ngô Quyền (quận Sơn Trà), người dân bức xúc khi có thời điểm rác đặt trước cổng nhà đến ngày thứ 5 vẫn không có người đến lấy. Bà Nguyễn Thị Minh (72 tuổi, sống ở kiệt 187 Ngô Quyền) cho biết, túi rác ủ dưới nhiệt độ cao qua mấy ngày phân hủy, bốc mùi hôi thối, nước rò rỉ chảy xuống lòng đường dù trước đó bà đã cố gắng cột các lớp túi ni-lông thật kỹ.

Tại một số khu vực khác, người dân không muốn để rác trước nhà nên tùy tiện chất rác thành đống tại một số khu vực công cộng dù điểm tập kết thùng rác cách đó không xa. Đơn cử, con đường 3,5m chạy ngang qua Nhà thờ Thoại Ngọc Hầu thuộc tổ 40, phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) thường xuyên trở thành nơi tập kết rác của người dân trong tổ.

Ông Lê Thông sống tại đây cho biết, tình trạng này diễn ra thường xuyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Mỗi ngày tôi đi qua khu vực này thấy rất khó chịu nhưng không biết “kêu” ai. “Kêu” lên Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thì cực chẳng đã họ mới đến dọn vì cho rằng đây là lỗi của người dân. UBND phường An Hải Tây từng cắm biển cấm đổ rác tại đây nhưng sau một thời gian phải tháo biển vì biển cấm không có tác dụng, trong khi điểm có thùng rác tập kết chỉ cách đống rác chừng 30 mét”, ông Thông nói.

Trên đường Đỗ Anh Hàn nằm giữa khu vực phường An Hải Bắc và phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), tình trạng rác thải sinh hoạt, xà bần đổ trái phép gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng an toàn giao thông tồn tại nhiều năm nay. Lãnh đạo UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, Trạm phát sóng An Hải (phường An Hải Bắc) chưa được giải tỏa nên các đối tượng lợi dụng đổ xà bần, giá hạ, rác thải. UBND phường đã tổ chức mật phục, xử lý các đối tượng và thường xuyên thuê xe san ủi dọn vệ sinh môi trường nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc cho hay, địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp như khen thưởng, xử phạt, cắm biển cấm đổ rác trên đường Đỗ Anh Hàn nhưng không hiệu quả. “UBND phường An Hải Bắc đã lắp camera tại khu vực này để tăng cường biện pháp kiểm tra, xử lý những hộ dân, đơn vị đổ rác thải, xà bần. Mới đây, qua quan sát camera, địa phương phát hiện một công ty thủy sản mang bùn thải đổ tại đây nên đã liên hệ thanh tra môi trường đến bắt quả tang. Tuy nhiên, camera này hiện bị một số đối tượng đập phá gây hư hỏng, không thể sử dụng”, ông Hùng cho hay.

Trên địa bàn quận Hải Châu, người dân than phiền về điểm tập kết rác tại ngã ba Duy Tân - Hoàng Diệu luôn trong tình trạng bừa bãi, bốc mùi hôi, xe rác ngổn ngang cả trên lề lẫn dưới lòng đường, trong khi lượng người tham gia giao thông qua khu vực này đông đúc.

Theo ông Hà Ngọc Đức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hải Châu, mỗi ngày trung bình địa phương này có khoảng 250 tấn rác được thu gom, có ngày gần 300 tấn, cao nhất trong các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, đơn vị thường xuyên nhận được phản ánh của người dân và đã trực tiếp làm việc với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, thống nhất thời gian thu gom rác trên địa bàn 13 phường; đồng thời yêu cầu các phường làm tốt việc giám sát, nghiệm thu khối lượng dịch vụ vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, nhất là khu vực kiệt, hẻm và giám sát việc thu gom rác theo giờ của Xí nghiệp Môi trường đô thị quận Hải Châu. Mọi phản ánh của người dân được chuyển đến Tổ xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường quận.  

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết vừa giao trách nhiệm cho các chủ tịch UBND 13 phường rà soát việc sử dụng các lô đất trống, quản lý nghiêm, không để đổ giá hạ xà bần, các vật dụng tại các lô đất trống và trên vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị; đẩy mạnh tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý đô thị và vệ sinh môi trường trên điện thoại thông minh cho các đại biểu HĐND quận và phường; nhanh chóng kiểm tra, xử lý thông tin người dân phản ánh tại ứng dụng quản lý đô thị trên điện thoại thông minh.

Trên địa bàn quận Liên Chiểu, đường Tú Mỡ - đoạn phía sau Bến xe trung tâm cũng trở thành nơi tập kết rác, bốc mùi hôi…

Thu gom rác:
Nhiều tình huống phát sinh!

Trên địa bàn quận Cẩm Lệ, nhiều hộ gia đình sống ở các tuyến đường Phước Tường 5, 8, 9, 10, cụm dân cư số 11 thuộc tổ 39 phường Hòa Phát than phiền cứ 3-4 ngày mới thấy thu gom rác một lần. “Điều chúng tôi bức xúc là công tác thu gom hiện nay chưa chuyên nghiệp, giờ giấc lung tung. Khi người dân phản ánh, nhân viên môi trường mới làm tốt nhiệm vụ, còn không thì ì ạch lắm”, ông Nam (sống trên đường Phước Tường 8) chia sẻ.

Được biết, Xí nghiệp Môi trường quận Cẩm Lệ chịu trách nhiệm vệ sinh môi trường địa bàn 6 phường Khuê Trung, Hòa Phát, Hòa An, Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây. Ông Lê Thành Phúc, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Cẩm Lệ cho biết, chủ trương của thành phố là tổ chức thu gom rác theo giờ, theo khu vực, hạn chế đặt thùng rác tại khu dân cư. Do đó, nếu rác chưa kịp thu gom, người dân phải để rác trước cổng nhà trong vài ngày.

Cũng theo ông Phúc, công tác thu gom rác còn phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp giữa người dân và đội ngũ nhân viên môi trường. Hiện nay, tại một số khu đô thị mới, dân cư còn chưa thớt, Xí nghiệp Môi trường quận Cẩm Lệ đang tiến hành khảo sát, lập kế hoạch đấu thầu thu gom rác để sớm giải quyết tình trạng rác tồn đọng trong khu dân cư.

Khi phóng viên trao đổi về vấn đề rác ùn ứ trên nhiều tuyến đường và khu dân cư, ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng nói: “Chuyện người dân phản ánh cũng có cái đúng, có cái sai. Chúng tôi là đơn vị thu gom, xe rác chạy ngang qua nhà, người dân cần chủ động mang rác ra bỏ lên xe, nhưng họ không làm vậy. Họ luôn muốn chúng tôi phải tự tay dọn rác, dù đống rác đó phát sinh từ sự vô ý thức của một bộ phận người dân.

Hiện nay, mỗi công nhân môi trường đô thị đều phải làm việc liên tục từ 27-28 ngày/tháng với cường độ cao, địa bàn rộng, công việc di động nên đơn vị rất khó kiểm soát. Thỉnh thoảng vẫn có trường hợp công nhân đau ốm, bệnh tật bỏ địa bàn vài hôm khiến nguồn rác ùn ứ do không có người thu gom”.

Ở những khu dân cư, đặc biệt khu vực vùng ven như các phường Hòa Hải, Hòa Quý (thuộc quận Ngũ Hành Sơn), dân cư thưa thớt, thậm chí có nơi còn chưa hình thành tổ dân phố thì việc mang xe cơ giới đến tận nhà thu gom rác thải nằm ngoài khả năng chi trả của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng.

“Về mặt kinh tế, công ty không đủ tiền, đủ nhân công để tổ chức lực lượng lao động đi cả chục cây số để thu gom rác của vài chục hộ. Công ty cũng đã đề nghị địa phương chủ động mua sắm thùng rác và đặt ở một số vị trí thích hợp để người dân đổ rác, 2-3 ngày đơn vị sẽ đến thu gom một lần. Đối với các khu chung cư, người dân tự trang bị thùng rác để bỏ rác vào đó, sẽ có xe tới lấy đi”, ông Tiên cho biết.

Cũng theo ông Tiên, trong quá trình thu gom, sẽ có những tình huống như phát sinh thời gian dọn dẹp những bãi rác tự phát; lượng rác tại khu vực trong ngày nhiều hơn mức bình thường khiến công nhân mất nhiều thời gian thu gom, mang về bãi tập kết... Vì vậy, việc thu gom rác xê dịch 1-2 tiếng so với thời gian quy định hoàn toàn có thể cảm thông.

“Không phải người dân nào cũng thông cảm việc chậm trễ này nên cứ tới giờ thì họ mang rác bỏ bên vệ đường khiến công việc thu gom của anh chị em công nhân càng thêm vất vả. Khi thời gian không cho phép, có thể công nhân sẽ bỏ tuyến này để qua tuyến đường khác, khiến rác bị ách lại. Đây là lỗi thuộc về Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng trong công tác quản lý, xử lý các tình huống phát sinh”, ông Tiên nói.

Theo Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, hiện nay bình quân mỗi ngày lượng rác thu gom trên địa bàn thành phố gần 1.100 tấn rác. “Chúng tôi đã sử dụng hết nhân công vào việc thu gom rác nhưng vẫn không xuể, bởi lượng rác thải mỗi ngày mỗi tăng. Việc thu gom rác thải được thực hiện thường xuyên ở khu vực nội thành và những tuyến đường, khu phố chính; còn khu vực ngoại thành do điều kiện nhân lực chưa bảo đảm, bài toán kinh tế còn khó khăn nên phải thu gom cách nhật”, ông Tiên thừa nhận.

Quyết định 33/2018/QĐ-UBND ngày 1-10-2018 của UBND thành phố ban hành quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố nêu rõ: Trong trường hợp thửa đất chưa sử dụng bị ô nhiễm môi trường nhưng người sử dụng đất không có các biện pháp khắc phục, cơ quan Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Người sử dụng đất phải hoàn trả chi phí bảo vệ môi trường cho chính quyền (nếu có) trước khi giải quyết các thủ tục hành chính về môi trường và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Thậm chí, hằng tháng, hằng quý, địa phương phải huy động lực lượng, đồng thời bỏ ra 5-7 triệu đồng cho mỗi lần dọn dẹp, san ủi tại một địa điểm. Điều này cũng gián tiếp tạo gánh nặng cho ngân sách địa phương bởi chủ đất không phải lúc nào cũng có mặt để chi trả kinh phí.

Khu dân cư đầy rác

Khu tái định cư (TĐC) Tây Bắc 7 gần Bệnh viện Ung bướu thuộc địa bàn phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tình trạng người dân đổ rác thải, giá hạ, xà bần… bừa bãi ra đường, vỉa hè. Theo ông Phạm Ngọc Lãnh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, khu TĐC Tây Bắc 7, thuộc khu vực Hòa Phú 1A và khu vực Hòa Phú 1B, có nhiều lô đất trống nên một số người dân thường bỏ rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Dân cư ở khu vực này còn thưa thớt nên trước đây Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu chưa tổ chức thu gom rác thải. Để giữ gìn cảnh quan môi trường nơi đây, trước mắt, UBND phường Hòa Minh chỉ đạo Đoàn Thanh niên phường thường xuyên phối hợp với các chi bộ, tổ dân phố ra quân dọn vệ sinh; đồng thời tuyên truyền, đề nghị nhân dân bỏ rác đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, tổ trưởng tổ dân phố khảo sát, lập danh sách các hộ gia đình đang sinh sống tại khu TĐC Tây Bắc 7 để đề nghị Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu tiến hành thu gom rác theo quy định.

Ông Mai Xuân Hiền, Giám đốc Xí nghiệp môi trường Liên Chiểu cho hay, đối với khu TĐC Tây Bắc 7, công nhân Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu đang thực hiện thu gom rác bằng xe ba gác. Tuy nhiên, một số hộ dân thiếu ý thức vẫn lén đổ giá hạ, xà bần, rác thải ra đường. Cũng theo ông Hiền, trong thời gian đến, Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu sẽ phối hợp với UBND phường Hòa Minh thống kê số hộ dân và chọn phương án thu gom rác phù hợp. 

PHƯƠNG CHI

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.