Khơi thông cống rãnh, giúp nước thoát nhanh

.

Vài năm trở lại đây, chỉ sau một cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện tình trạng ngập cục bộ. Một trong những nguyên nhân là do hệ thống cửa xả, cống thoát nước lâu ngày không được nạo vét, nhiều tuyến đường không có hệ thống thoát nước mưa, đặc biệt là những kiệt, hẻm nhỏ ở vùng quy hoạch hoặc dự án “treo”…

Từ đầu mùa mưa, UBND phường Thọ Quang đã cử lực lượng khơi thông các cửa thu nhưng việc này chỉ giảm phần nào lượng nước đọng chứ không giải quyết được tình trạng ngập (Ảnh do UBND phường cung cấp).
Từ đầu mùa mưa, UBND phường Thọ Quang đã cử lực lượng khơi thông các cửa thu nhưng việc này chỉ giảm phần nào lượng nước đọng chứ không giải quyết được tình trạng ngập (Ảnh do UBND phường cung cấp).

Kiệt, hẻm ngập diện rộng

Đầu tháng 11, sau vài trận mưa lớn do ảnh hưởng bão số 5, khu vực K483/H25/1 Tôn Đản (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) ngập sâu hơn nửa mét. Nước mang theo lá cây, túi ni-lông lẫn rác rưởi nổi lềnh bềnh khiến toàn tuyến kiệt rất nhếch nhác. Điều đáng nói, thời gian ngập kéo dài, nước rút rất chậm khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa An cho biết, cuối tháng 10 vừa qua, UBND phường nhận được ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng tuyến kiệt này thường xuyên ngập cục bộ, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con tổ 13 và 14, phường Hòa An.

Ngay sau đó, phường cử lực lượng kiểm tra thực tế, thấy mương thoát nước có kích cỡ nhỏ, lại bị bùn, rác lấp đầy nên có Tờ trình số 609/TTr-UBND ngày 31-10 đề nghị UBND quận Cẩm Lệ cho triển khai nạo vét mương thoát nước tại kiệt 606/18 Trường Chinh thông qua K483/H25/1 Tôn Đản.

Tuy nhiên, địa phương chưa kịp triển khai thì Đà Nẵng hứng chịu những trận mưa lớn do ảnh hưởng bão số 5 khiến kiệt càng thêm ngập nặng. Cũng theo ông Sử, chờ thời tiết thuận lợi, địa phương sẽ tiến hành nạo vét, khơi thông mương nước tại địa chỉ này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn thành phố hiện có khá nhiều tuyến kiệt, hẻm không xây dựng hệ thống thoát nước, trong đó phần nhiều rơi vào những khu vực có dự án “treo”.

Đơn cử, một số khu dân cư (KDC) trong vùng dự án xây dựng ga Đà Nẵng ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường vì thiếu hệ thống cống rãnh thoát nước. Men theo những con đường bê-tông quanh co là những rãnh nước lộ thiên, nhầy nhụa, đáy rãnh bám đầy rêu và rác.

Ông Nguyễn Nhi, Trưởng ban Công tác Mặt trận khối phố Chơn Tâm 1B7 cho biết, hầu hết diện tích của khu vực đều nằm trong vùng dự án “treo”. Nhiều năm nay, bà con trong khu vực sống trong cảnh tạm bợ cả về cơ sở vật chất lẫn vệ sinh môi trường.

Theo ông Nhi, phần lớn những rãnh nước cạn trong KDC do người dân trong quá trình làm đường bê-tông chừa ra một ít diện tích để làm rãnh thoát nước. Tuy nhiên, các rãnh này chỉ đóng vai trò “dẫn dắt” nước thải sinh hoạt từ chỗ cao đến ao hồ thấp trũng, chứ không có chức năng thu gom nước thải chuyển về trạm xử lý.

Do đó, sau mỗi đợt mưa lớn, nhiều tuyến đường bê-tông kẹp giữa hai dãy nhà bị ngập cục bộ, nước mưa hòa vào nước mương, nước rãnh khiến khu vực càng thêm bẩn.

Đầu mùa mưa đến nay, tình trạng ngập cục bộ cũng diễn ra trên nhiều tuyến đường như: Tân Trào, Yên Thế, Bắc Sơn, Hồng Thái (quận Cẩm Lệ). Tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), nước mưa lênh láng khắp các tuyến đường Lê Tấn Trung, K62 Nguyễn Phan Vinh nối dài, Lê Văn Lương, Lương Hữu Khánh…, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Khẩn trương nạo vét cống thoát nước

Ông Nguyễn Văn Hùng (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cho biết, sau những trận mưa lớn vào đầu tháng 11, đường Lê Duẩn xảy ra ngập nhưng nước thoát khá nhanh xuống các cửa thu nằm hai bên đường. Mùa mưa năm ngoái, đường Lê Duẩn ngập nửa mét nước cả ngày lẫn đêm nhưng nay tình trạng đó đã được cải thiện.

Theo ông Hùng, nguyên nhân do cách đây khoảng hơn 1 tháng, UBND phường Tân Chính đã phát động người dân sống ven tuyến Lê Duẩn tiến hành khơi thông các cửa thu hai bên đường; đồng thời, nghiêm cấm người dân quét bùn đất, lá cây, hoặc đổ trực tiếp nước mã xuống cửa thu làm bít dòng chảy.

Ông Nguyễn Trọng Trinh, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Chính cho hay, thực hiện Kế hoạch số 4186/QĐ-UBND (ngày 17-9) của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ra quân xử lý thoát nước ngập úng để chuẩn bị đón mùa mưa bão, UBND phường Tân Chính đã huy động lực lượng dọn vệ sinh, khơi thông các cửa thu nước trên một số tuyến đường như Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm, Hoàng Hoa Thám, Hải Phòng…

Có một số đoạn, việc khơi thông khó khăn do lượng bùn đất, lá mục, rác ni-lông dưới cống rãnh khá nhiều, một số cửa thu bị bít bởi lớp bê-tông dày, địa phương phải nhờ Công ty CP Thoát nước và Xử lý nước thải (TN&XLNT) Đà Nẵng kiểm tra và can thiệp. Đến nay, phần lớn hệ thống cống rãnh tại một số tuyến đường lớn thuộc phường Tân Chính đã được khơi thông, bảo đảm thoát nước nhanh.

Theo ghi nhận của phóng viên trong đợt mưa lớn hồi đầu tháng 11, có một số tuyến đường hoàn toàn bị “tê liệt”, ngập sâu nửa mét như: Đống Đa, Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu); Huỳnh Ngọc Huệ, Tô Ngọc Vân, Hàm Nghi, Lê Đình Lý (quận Thanh Khê)… Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty CP TN&XLNT Đà Nẵng cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 1.500km cống rãnh thoát nước đấu nối với nhau.

Thời gian qua, công tác khơi thông cống rãnh được đơn vị phối hợp với các quận Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu… triển khai mạnh mẽ nên tình trạng ngập nặng, ngập sâu trong nhiều giờ đồng hồ cơ bản được khống chế.

Tuy nhiên, sau mỗi cơn mưa, lượng rác thải như lá cây, túi ni-lông theo dòng nước chảy về cửa thu khá lớn. Do đó, các địa phương cần tiếp tục vận động người dân, đặc biệt là các hộ sống gần cửa thu giúp thu gom rác thải tại khu vực này, nhằm hạn chế rác theo nước mưa chảy vào miệng cống, gây bít đường cống, ảnh hưởng đến công tác thoát nước trong mùa mưa lũ năm nay.

Khu dân cư thường xuyên bị ngập nước

Khu vực tổ 1 ở kiệt 422 Nguyễn Văn Cừ, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) thường xuyên bị ngập nước. Theo phản ánh của người dân, mỗi lần trời mưa, nước ứ đọng cả một đoạn dài, tràn vào nhà dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bà con trong khu vực.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực kiệt thường xuyên bị ngập nước thấp trũng hơn nhiều so với mặt đường Nguyễn Văn Cừ. Bởi vậy, mỗi lần trời mưa, nước từ các nơi đổ về chỗ thấp trũng, ứ đọng khá lâu rồi mới rút. Ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng ngập nước ở tổ 1 nằm trong kiệt 422 Nguyễn Văn Cừ, UBND phường Hòa Hiệp Bắc lập tức cử lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý. Bước đầu lực lượng chức năng đã tổ chức sửa chữa, khơi thông hệ thống cống trong kiệt. Theo ghi nhận trong mấy ngày mưa vừa qua, tình trạng ngập nước cục bộ tại đoạn kiệt này không còn xảy ra.

Song, anh Nguyễn Văn Hòa (trú tổ 1 phường Hòa Hiệp Bắc) cho biết, những ngày mưa vừa rồi, tình trạng ngập nước tại kiệt 422 đã giảm, nhưng khu vực nhà dân thấp trũng bên cạnh kiệt lại bị nước ngập vào nhà do nước mưa thoát không kịp. Người dân mong muốn cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý dứt điểm tình trạng trên.

NGỌC ĐOAN

HUỲNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.