Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản số 263 Ngô Quyền: Cần giám định lại mẫu chữ ký của bị đơn

.

Cho rằng quá trình mua bán nhà đất giữa hai bên chưa bảo đảm theo quy định, bên mua vi phạm hợp đồng đặt cọc, thậm chí còn nghi vấn làm giả chữ ký bên bán và tòa án hai cấp xét xử chưa khách quan, ông Thái Minh Hoàng (36 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) có đơn kêu cứu gửi Báo Đà Nẵng.

Thửa đất số 121, tờ bản đồ số 10, hiện nay là số 263 Ngô Quyền (đánh dấu X - phường Mân Thái, quận Sơn Trà) đang nằm trong tranh chấp liên quan việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Thửa đất số 121, tờ bản đồ số 10, hiện nay là số 263 Ngô Quyền (đánh dấu X - phường Mân Thái, quận Sơn Trà) đang nằm trong tranh chấp liên quan việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Ông Thái Minh Hoàng là bị đơn trong vụ án tranh chấp yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (thửa đất số 121, tờ bản đồ số 10, hiện ở số 263 đường Ngô Quyền) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CĐ081592 do Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cấp ngày 4-7-2016.

Trao đổi với phóng viên, bà Đoàn Thị Sen (mẹ ruột ông Thái Minh Hoàng, và là người đại diện được ông Hoàng ủy quyền tham gia xử lý toàn bộ vụ việc) bức xúc cho rằng, cả hai bản án tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm đã tuyên và có hiệu lực đều chưa khách quan vì còn quá nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.

Theo nội dung đơn, ngày 24-8-2015, bị đơn là ông Thái Minh Hoàng chuyển nhượng cho nguyên đơn là vợ chồng ông Lê Văn Hạ và bà Nguyễn Thị Xuân Hiển phần diện tích nhà đất gần 130m2 (rộng 4,49m, dài 28,8m), số tiền chuyển nhượng hơn 1,86 tỷ đồng. Phần diện tích còn lại chiều rộng 3,33m, dài 27,8m, hiện bị đơn sử dụng.

Ông Hạ và bà Hiển đặt cọc 200 triệu đồng, hẹn sau 45 ngày sẽ đưa số tiền còn lại để rút sổ đỏ từ ngân hàng mà bị đơn đã thế chấp. Sau 45 ngày, ông Hạ và bà Hiển không có đủ tiền nên thỏa thuận xin trả lãi và gốc thay cho ông Hoàng theo từng đợt.

Ngày 30-6-2016, hai bên ký hợp đồng mua bán và thỏa thuận phía ông Hạ phải bù tiền trượt giá theo thời điểm hiện tại. Ngày 17-3-2017, ông Hoàng có đơn đề nghị được tách thửa đối với thửa đất nêu trên. Tuy nhiên, thửa đất đề nghị tách thửa của ông Hoàng (phần còn lại) có chiều rộng cạnh thửa đất không bảo đảm theo Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng ngày 26-11-2014.

Gia đình bà Sen lúc đó thấy không thể tách thửa cho nguyên đơn một phần đất, nên muốn chấm dứt việc mua bán và trả lại số tiền mà nguyên đơn đã bỏ ra. Tuy nhiên, ông Hạ đã làm đơn khẩn cầu và tự ký vào đơn để gửi lên UBND thành phố.

Ngày 23-5-2017, UBND thành phố có Công văn số 3791/UBND-QLĐTh (gọi tắt là Công văn 3791 - PV) thống nhất chủ trương cho phép hộ ông Thái Minh Hoàng được tách thửa đất số 121, tờ bản đồ số 10, phường Mân Thái thành hai thửa đất.

“Công văn 3791 xuất phát từ đơn khẩn cầu do ông Hạ tự làm đơn, ký tên”, bà Sen nói và cho rằng ở phiên phúc thẩm, TAND thành phố Đà Nẵng dựa theo Quyết định số 29/2018/QĐ-UBND ngày 31-8-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND ngày 26-11-2014, nên phần diện tích đất còn lại của ông Hoàng cũng đủ điều kiện được tách thửa là áp dụng sai so với thời điểm mua bán.

“Thời điểm mua bán nhà là ngày 24-8-2015. Quyết định bổ sung số 29/2018/QĐ-UBND được ban hành sau thời điểm mua bán nhà nhưng lại được áp dụng trong trường hợp của gia đình tôi thì không khách quan”, bà Sen thắc mắc.

Liên quan vấn đề về giám định mẫu chữ ký của ông Hoàng, theo nội dung bản án sơ thẩm và phúc thẩm, cả hai cấp tòa đều viện dẫn kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự (KHHS) tại Đà Nẵng (thuộc Viện KHHS) với nội dung: “Không có cơ sở kết luận chữ ký mang tên Thái Minh Hoàng dưới mục “Người làm đơn” trên tài liệu cần giám định với chữ ký đứng tên Thái Minh Hoàng trên tài liệu mẫu so sánh là có cùng một người ký hay không”.

Tuy nhiên, tòa án cho biết: Sau khi phía đại diện của bị đơn tiếp tục khiếu nại, yêu cầu tiến hành giám định lại nhưng không làm thủ tục hồ sơ bổ sung giám định lại nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để thực hiện thủ tục giám định lại theo yêu cầu.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, luật sư Đỗ Thành Nhân, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân (quận Thanh Khê) cho biết, vụ việc đã được hai cấp xét xử nhưng phía bị đơn vẫn có thể tiếp tục làm đơn kháng cáo đề nghị giám đốc thẩm để được xem xét, làm rõ các vấn đề mà phía bị đơn cho là chưa khách quan.

“Cụ thể ở đây là vấn đề mẫu chữ ký của phía bị đơn. Bởi ngay như trong kết luận giám định trước cũng nêu “không có cơ sở kết luận” thì phía tòa án cần phải giám định lại để làm rõ, từ đó có căn cứ xét xử để bảo đảm khách quan, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân”, luật sư Đỗ Thành Nhân phân tích.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.