Đà Nẵng hoãn thi tốt nghiệp THPT 2020: Phụ huynh, học sinh đừng băn khoăn!

.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức cho phép thành phố Đà Nẵng và một số huyện của tỉnh Quảng Nam dời lại ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ngày 4-8, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 5167/UBND-SGDĐT và Sở GD-ĐT cũng có Công văn số 1998/SGDĐT-CTrTT về việc hoãn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Khi thông tin này được công bố, nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng vì không biết dời kỳ thi đến ngày nào trong lúc các em đã sẵn sàng tâm lý bước vào kỳ thi rất quan trọng.

Bản thân tôi là giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). Nhiều học sinh đang ở trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhắn tin hỏi tôi: “Thầy ơi, dời kỳ thi đến ngày nào?”. Quả thật, tôi cũng không thể trả lời chính xác khi tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Thiết nghĩ, các gia đình có con em chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và chính các em học sinh cần nhận thức rằng đây là giải pháp bất khả kháng được đưa ra trong một tình huống hiểm nghèo nhằm trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của các em và cả cộng đồng.

Có nhiều em ý kiến: Tại sao không hủy (bỏ) thi, chỉ xét tốt nghiệp? Hiện nay, Luật Giáo dục vẫn yêu cầu học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình học phải thi tốt nghiệp, có những trường hợp đặc cách nhưng Luật chưa tính đến tình huống phải bỏ thi trên diện rộng như hiện nay. Nhiều quy định liên quan chưa cho phép bỏ kỳ thi này. Chưa kể nhiều học sinh có năng lực, đã ngày đêm nỗ lực ôn luyện để có điểm thi cao xét vào các trường đại học có tiếng. Giờ đây, nếu xét tốt nghiệp chứ không thi thì bao nhiêu công sức của các bạn ấy đổ sông đổ biển hay sao!

Còn về việc dời kỳ thi đến ngày nào, như các cấp lãnh đạo đã nói, khi nào hết dịch, xã hội an toàn thì mới tổ chức thi. Thay vì hoang mang trước một thời gian vô định, quý phụ huynh và các em học sinh hãy nhìn những bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên đang vững tâm đi ngược vào tâm dịch. Sự hụt hẫng vì phải tiếp tục chờ đợi kỳ thi có bằng việc các y bác sĩ, nhân viên y tế vì nhiệm vụ mà phải lên tuyến đầu, cách ly trong bệnh viện, để lại hậu phương là cha mẹ già, con thơ; đó là chưa kể các nhân viên y tế còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm? Sự hụt hẫng vì phải chờ đợi đó có bằng nỗi đau của những gia đình có người thân là bệnh nhân Covid-19 qua đời?

Vậy thì tại sao ta không coi việc ở yên tại nhà, nỗ lực ôn bài, luyện tập thể thao, bảo đảm sức khỏe là một nhiệm vụ giữa mùa dịch? Còn các em lo về việc xét tuyển đại học? Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường đại học phải có phương án tuyển sinh, để dành chỉ tiêu hoặc xin tăng thêm chỉ tiêu cho học sinh vùng dịch. Đại học Đà Nẵng đã sớm công bố phương án tuyển sinh cho học sinh Đà Nẵng, Quảng Nam. Nhiều trường đại học khác có lẽ sẽ có phương án phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh thuộc diện hoãn thi vì dịch bệnh.

Các em học sinh lo không vào được ngành mà mình yêu thích? Khi không có cái mình yêu, cần biết yêu cái mình có. Biết bao người quyết tâm chọn ngành yêu thích để rồi ra đời phải làm những việc trái ngành mà vẫn thành công. Khi đi học, tôi là học sinh chuyên Toán, nhưng cuộc đời đưa đẩy tôi trở thành giáo viên dạy Văn và tôi thật sự yêu thích công việc của mình cũng như yêu thích môn Văn.

Tôi biết một trường hợp - một người mẹ vì quá kỳ vọng con trai thi đỗ vào trường Y để theo truyền thống của gia đình, nên đã đau khổ, hụt hẫng vì con thi trượt. Nhưng rồi người con trai ấy đã tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) loại xuất sắc, là sinh viên xuất sắc tiêu biểu của trường với rất nhiều thành tích nổi trội. Anh ấy tự tìm học bổng, tự xin việc và giờ là nhân viên của Big4 - bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới cả về quy mô, doanh thu lẫn bề dày lịch sử bao gồm: Pricewaterhouse Cooper (Pwc), Deloitte, Ernst and Young (E&Y), KPMG.

Điều tốt hơn hết là tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; dành quãng thời gian này để nghỉ ngơi, tự ôn tập bài, luyện tập thể thao tại nhà, chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng… Ngừng than vãn, sống lạc quan và tích cực để lan tỏa nguồn năng lượng tích cực giúp đẩy lùi những năng lượng tiêu cực trên thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, đó là điều mà chúng ta nên làm, bởi mỗi người dân cũng là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống Covid-19.

NGUYỄN ĐÌNH HÒA

Giáo viên Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.